02:12, 28/12/2010

Chậm đổi mới quản lý giáo dục

Liên tiếp 2 năm học gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xác định chủ đề của toàn ngành GD-ĐT là “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”.

Liên tiếp 2 năm học gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xác định chủ đề của toàn ngành GD-ĐT là “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”. Có lẽ vì vậy, tần suất xuất hiện của cụm từ “đổi mới quản lý giáo dục” (ĐMQLGD) cũng ngày càng nhiều trong các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ. Ở Khánh Hòa, nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về ĐMQLGD đã được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau, thậm chí, hơn 100 hiệu trưởng các trường phổ thông còn được sang Singapore tham quan, học tập kinh nghiệm. Tuy vậy, trên thực tế, việc ĐMQLGD vẫn còn rất chậm và có những lĩnh vực hầu như chưa thấy “tăm hơi” gì!

Phải nói rằng có nhiều cán bộ QLGD mong muốn đổi mới nhưng lại đang gặp khó khăn khách quan trong điều hành, quản lý. Chỉ cần đếm số công văn của Sở GD-ĐT cũng có thể thấy công việc ở các trường học ngày càng quá tải: bình quân mỗi tháng nhận trên dưới 200 công văn đến và lượng công văn đi cũng phải tương đương với nhiều yêu cầu thống kê, báo cáo, vừa tỉ mỉ vừa phức tạp, đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành được. Các cuộc tập huấn triển khai chủ trương mới của Bộ GD-ĐT cũng dồn dập hơn (như dự án SREM, PMIS, kiểm định chất lượng giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá…). Do đó, có thời điểm, các hiệu trưởng phải đi họp nhiều hơn là ở trường điều hành. ĐMQLGD tất nhiên cũng đòi hỏi điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất - kỹ thuật nhưng đời sống của một bộ phận khá lớn cán bộ, giáo viên còn khó khăn nên nhiều người chưa thể tập trung hoàn toàn công sức, thời gian cho công tác; các phương tiện dạy học còn nghèo nàn, lạc hậu và khoản kinh phí Nhà nước cấp hàng năm cho từng trường cũng khá eo hẹp (chủ yếu dành để trả lương) nên không thể đáp ứng được các kế hoạch, mục tiêu đổi mới mà chắc chắn cần đến khi triển khai trên thực tiễn.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, có một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, nhất là những người tuổi cao, sắp nghỉ hưu, còn ngại thay đổi, đụng chạm, sợ “sứt mẻ” các nếp công tác vốn đã quen thuộc lâu nay cũng như các mối quan hệ cá nhân đã có. Nhiều người đã quá quen với nếp cũ bao năm nay: hiệu trưởng là người quản lý, chủ yếu tuân thủ các quy định và chỉ đạo của cấp trên; chỉ cần không làm sai là được. Có thể nói, đến nay, khá nhiều hiệu trưởng vẫn chưa quen với vai trò “thuyền trưởng” trên “con tàu” trường học, mà vẫn chủ yếu “lái tàu” là chính. Trong khi đó, tâm lý của xã hội, trước hết là các thầy cô giáo, cũng chưa thực sự ủng hộ mạnh mẽ việc thay đổi khi mà chưa thấy được kết quả cụ thể, trong khi trước mắt chỉ thấy thêm việc mà thôi.

Tuy vậy, ở nơi này nơi khác, đã có những hiệu trưởng năng động, cầu tiến và ít nhiều bắt tay vào thực nghiệm những ý tưởng đổi mới công tác quản lý và lãnh đạo nhà trường như: Trường Trung học Phổ thông Ngô Gia Tự (Cam Ranh), Trần Bình Trọng (Cam Lâm), Trung học Cơ sở Hùng Vương (Ninh Hòa), Mầm non Diên An (Diên Khánh)…, thậm chí tại một số trường học thuộc các địa bàn khó khăn như Trung học Phổ thông Khánh Sơn, Trần Quý Cáp (Ninh Hòa), thể hiện qua từng việc cụ thể như khai thác tiện ích của Internet, sách báo thư viện vào việc dạy học; giáo dục đạo đức cho học sinh, phòng, chống tệ nạn xã hội, huy động sự đóng góp về nhiều mặt của xã hội cho hoạt động của nhà trường… Tuy hiệu quả bước đầu chưa cao nhưng đây vẫn là những tín hiệu đáng mừng cho việc tiếp tục phát huy và nhân rộng kinh nghiệm ĐMQLGD ở Khánh Hòa trong thời gian tới.

Thực ra, để ĐMQLGD, các cán bộ QLGD có tâm huyết vẫn có nhiều cách “dụng võ” như thay đổi phương thức tuyển dụng cán bộ, giáo viên (Phòng GD-ĐT Cam Lâm đã thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường tiểu học); thay đổi về tuyển sinh các lớp đầu cấp; thay đổi phương pháp giáo dục, dạy học (phát huy phương pháp dạy - học theo nhóm, tăng cường ngoại khóa; yêu cầu cao về thực hành, thí nghiệm; chú ý khuyến khích, động viên giáo viên, học sinh - nhất là những nhân tố mới, nhân tố tích cực mạnh dạn cải tiến phương pháp dạy và học); thay đổi về quản lý tài chính; chuyển đổi loại hình trường học; thay đổi về môi trường giáo dục theo định hướng “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”…

Ngành GD-ĐT đang có tầm nhìn mới về phát triển giáo dục và phấn đấu rút ngắn khoảng cách giáo dục với thế giới và khu vực. Tuy vậy, nếu vẫn chậm ĐMQLGD ở từng trường học như hiện nay thì e quãng đường và thời gian tới đích vẫn còn dài lắm!

LÊ VĂN