10:12, 10/12/2010

Cẩn thận khi điều khiển ô tô!

Một hôm, trên đường đi làm ngang qua Ga Nha Trang trên đường Thái Nguyên, tôi chứng kiến một cảnh đụng xe rất kỳ lạ. Một chiếc tắc-xi đang đỗ trước ga bỗng dưng nổ máy tăng tốc cắt ngang đường Thái Nguyên để rẽ vào đường Trần Đường.

Một hôm, trên đường đi làm ngang qua Ga Nha Trang trên đường Thái Nguyên, tôi chứng kiến một cảnh đụng xe rất kỳ lạ. Một chiếc tắc-xi đang đỗ trước ga bỗng dưng nổ máy tăng tốc cắt ngang đường Thái Nguyên để rẽ vào đường Trần Đường. Khi đầu xe đã thẳng hướng thì tài xế phát hiện một phụ nữ đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường Thái Nguyên hướng Mả Vòng đến Nhà thờ Núi. Cảnh tượng tiếp theo diễn ra như một bộ phim quay chậm. Theo ước lượng của tôi, nếu giữ nguyên tốc độ, ô tô sẽ quệt vào đuôi xe máy, nên chỉ cần ô tôâ chậm lại một chút là va chạm sẽ không xảy ra, nhưng tài xế lại tăng tốc xe nên đã đâm thẳng vào chiếc xe máy khiến người phụ nữ ngã xuống bất tỉnh.

Tôi còn chứng kiến một trường hợp khác. Một phụ nữ điều khiển chiếc ô tô đi chầm chậm từ đường Hồng Bàng rẽ qua Nguyễn Thị Minh Khai về phía biển. Lúc đó, có một thanh niên đi xe máy từ đường Tô Hiến Thành men theo lề để vòng qua đường Hồng Bàng. Khi thấy người thanh niên xuất hiện, bỗng chiếc ô tô rú ga lao hết tốc lực vào chiếc mô tô. May mà tích tắc cuối cùng, người phụ nữ bẻ vô-lăng cho chiếc xe đâm thẳng vào trụ điện trên vỉa hè nên tai nạn không xảy ra. Chiếc ô tô gần như nát bét, lốc máy bị vỡ còn người thanh niên quá hoảng loạn tự ngã xe xuống đường.

Sau này khi hỏi ra mới biết do người lái xe đã không làm chủ được tình huống. ? trường hợp thứ nhất, tài xế chiếc tắc-xi vừa nhận lệnh đón khách ở đường Hoàng Văn Thụ nên vội vã lao qua đường, khi thấy người phụ nữ, thay vì đạp phanh, anh ta lại đạp ga. Còn trường hợp thứ hai, người phụ nữ mới lấy bằng lái nên kinh nghiệm xử lý chưa nhiều. Khi thấy chiếc xe máy, lẽ ra chị vẫn điều khiển rẽ ô tô bình thường, đằng này lại bị hoảng loạn nên tự đạp ga trong khi tay thì vô thức vặn vô-lăng.

Ở Nha Trang, có lẽ mọi người vẫn còn nhớ vụ một chiếc tắc-xi khi xuống dốc Cầu Đá đã nhấn ga lao thẳng vào cầu cảng. Trong trường hợp đó, người lái xe cũng đã đi với tốc độ không phù hợp và xử lý nhầm từ chân phanh sang chân ga. Sau này mới biết đó cũng là một lái xe mới vào nghề và còn ít kinh nghiệm.

Dĩ nhiên có rất nhiều tài xế lâu năm, có kinh nghiệm vẫn mắc lỗi xử lý kém, nhưng điều đáng nói ở những trường hợp trên là các tài xế đều mới có bằng lái nên kinh nghiệm còn rất kém. Khi điều khiển xe, họ lại không thận trọng. Vậy vấn đề ở đây là những điều họ học tại các Trung tâm dạy lái xe dường như chưa đủ để có thể tự tin cầm lái an toàn. Thật ra, một người lái xe an toàn là ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật, họ phải có khả năng xử lý các tình huống xảy ra trên đường. Nhưng với những người học lái xe, họ dường như chỉ được học cách điều khiển, các điều luật chứ chưa được dạy cách phản xạ, xử lý các tình huống. Thật ra, trong quá trình thực tập, người lái cũng đã được giáo viên ngồi kèm cẩn thận nhưng chỉ trong vài buổi ngắn ngủi, không nhiều tình huống thì khó có thể hình thành phản xạ để có thể tự mình xử lý các tình huống thực tế.

Ô tô là một nguồn nguy hiểm cao độ vì nó có tốc độ lớn, vì thế để điều khiển được ô tô một cách an toàn, người lái phải có phản xạ nhanh. Một chiếc xe chạy với tốc độ 40km/giờ, tài xế chỉ cần liếc gương chiếu hậu trong vòng 1 giây là chiếc xe đã chạy thêm 11m. Trong tích tắc thiếu quan sát ấy, tai nạn có thể xảy ra rồi. Vì thế, điều quan trọng khi xử lý tình huống là phải có phản xạ. Mà để hình thành phản xạ không gì khác ngoài việc lặp đi lặp lại cách xử lý đó. Thông thường, những người mới học lái xong khi tham gia giao thông phải rất cẩn thận. Họ phải dần dần làm quen xe, chạy chậm, quan sát kỹ cả một thời gian rất dài để từ quá trình đó hình thành được phản xạ xử lý tình huống.

Nhưng không phải ai cũng cẩn thận như vậy. Có nhiều người vì công việc làm ăn (làm tài xế tắc-xi chẳng hạn) hoặc háo hức có xe mới, muốn oai, muốn thể hiện mình biết lái ô tô…, nên leo lên xe cầm lái và điều khiển xe một cách vô tư mà không biết nguy hiểm luôn rình rập. Người lái xe có thể an toàn trong cabin nhưng vì không làm chủ tốc độ, anh ta sẽ gây tai nạn cho những người tham gia giao thông đúng luật. Những vụ “xe điên” xảy ra trên khắp cả nước trong thời gian gần đây cũng là bằng chứng cho điều đó.

Như vậy, vấn đề là ngoài các điều được học trong trường dạy lái ô tô như các điều luật, cách điều khiển phương tiện, chạy thực hành, đạo đức lái xe… thì việc học cách phản xạ, xử lý tình huống cũng rất quan trọng. Hiện nay, trên cả nước cũng chưa có nhiều trung tâm có những mô hình hay các phòng tập ảo (sử dụng công nghệ tiên tiến) để người học có thể dần hình thành phản xạ.

Do đó, đối với những người có bằng lái nhưng chưa có nhiều kinh nghiệâm, rất cần thận trọng khi lái xe.

NHẬT SINH