04:11, 06/11/2010

Đáng báo động!

Nhiều năm nay, các con đường quanh khu vực chợ Bình Tân (phường Phước Long, Nha Trang) bị người dân ngang nhiên lấn chiếm để buôn bán. Việc sử dụng lòng, lề đường làm nơi buôn bán đã gây ra tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã thường xuyên dùng “biện pháp mạnh” nhằm lập lại trật tự khu vực này. Tuy nhiên, đến nay tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán ở đây vẫn không hề thuyên giảm.

Nhiều năm nay, các con đường quanh khu vực chợ Bình Tân (phường Phước Long, Nha Trang) bị người dân ngang nhiên lấn chiếm để buôn bán. Việc sử dụng lòng, lề đường làm nơi buôn bán đã gây ra tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã thường xuyên dùng “biện pháp mạnh” nhằm lập lại trật tự khu vực này. Tuy nhiên, đến nay tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán ở đây vẫn không hề thuyên giảm.

Thực trạng buồn

Tình trạng tràn xuống lòng đường buôn bán như thế này rất dễ gây ra tai nạn giao thông.
Tình trạng tràn xuống lòng đường buôn bán như thế này rất dễ gây ra tai nạn giao thông.
Nhiều năm nay, tình trạng người dân ngang nhiên chiếm dụng lòng đường xung quanh khu vực chợ Bình Tân để làm nơi buôn bán đã gây nên không ít bức xúc trong dư luận. Chỉ vì để có một nơi buôn bán mà họ sẵn sàng chiếm dụng lòng đường, gây ách tắc giao thông. Các tuyến đường: Trường Sa, Võ Thị Sáu, Lý Nam Đế bị các tiểu thương sử dụng một cách triệt để. Lúc đầu, những người buôn bán nhỏ chỉ ngồi ở ven 2 bên đường để buôn bán. Dần dần, để dễ chèo kéo khách, họ bày hàng hóa ra cả lòng đường. Hễ cứ nơi nào có thể họp chợ được là các tiểu thương lại bày bán các mặt hàng mà không cần biết nó có ảnh hưởng tới vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự an toàn giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.

Tình trạng họp chợ bừa bãi, tràn lan “ăn theo” khu chợ truyền thống đã gây ra không ít khó khăn cho Ban quản lý chợ, gây bức xúc cho người dân sống tại khu vực xung quanh và cả người đi đường. Khu vực xung quanh và trước cổng chợ Bình Tân, các tiểu thương bày bán lấn chiếm lòng, lề đường một cách ngang nhiên. Trong khi đó, các bảng được cơ quan chức năng đặt để cấm lấn chiếm lòng, lề đường tại đây lại không được chấp hành. Điều đó dẫn đến tình trạng mất trật tự giao thông đô thị, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời làm mất vẻ đẹp cảnh quan đô thị. Khi bày bán các loại mặt hàng trước khu vực chợ như vậy sẽ dẫn đến tình trạng người đi chợ không cần vào trong chợ mà chỉ cần dừng xe rồi mua các thứ cần trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng chính việc dừng xe như vậy đã lấn chiếm hết lối đi của các phương tiện lưu thông khác trên đường. Sau mỗi buổi chợ tan là hình ảnh rác rưởi vương vãi, làm mất vệ sinh công cộng.

Vì sao không thể giải quyết triệt để?

Trước thực trạng này, UBND phường Phước Long đã nhiều lần ra quân xử phạt. Song, do phần lớn những người buôn bán quanh khu vực chợ đều là dạng nhỏ lẻ, mỗi lần thấy “động” họ liền bỏ của chạy lấy người nên lực lượng chức năng của phường chưa thể xử phạt tận gốc. Thậm chí, nhiều khi mới ra quân dẹp buổi sáng thì buổi chiều, những người này đã căng bạt bày bán trở lại. Để đối phó với sự tuần tra của lực lượng dân phòng, hầu hết các tiểu thương chỉ bày biện hàng hóa trên những tấm bạt nhỏ, gọn để khi lực lượng chức năng tới là họ gom hàng bỏ chạy. Do đó, đã rất nhiều lần Đội quản lý đô thị và dân phòng của phường xuống địa bàn để xử phạt việc lấn chiếm lòng đường nhưng vẫn chưa thể chấm dứt triệt để tình trạng trên. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do ý thức của các tiểu thương buôn bán quanh khu vực chợ quá kém. Họ sẵn sàng chây ì, chịu phạt để rồi khi lực lượng chức năng đi qua lại tiếp tục lấn chiếm lòng đường để buôn bán. Đối với chính quyền địa phương thì lực lượng quá mỏng nên không thể thường xuyên ra quân để giải quyết tình trạng này.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khá quan trọng dẫn tới tình trạng này đó là việc chợ Bình Tân đã xuống cấp, diện tích lại nhỏ hẹp nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu buôn bán của người dân. Nếu chỉ dựa vào khu vực chính của chợ thì không thể nào đáp ứng được nhu cầu của người mua. Và như vậy, khi đã có cầu thì ắt có cung. Chính vì lẽ đó, họ sẵn sàng vi phạm để có nơi buôn bán. Chị Hoàng Thị Thúy (một tiểu thương bán rau ở đường Trường Sa) tâm sự: “Tôi buôn bán ở đây đã 4 năm và cũng nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt. Biết việc lấn chiếm lòng lề đường là sai nhưng xin vào chợ bán thì cũng không còn chỗ. Với điều kiện kinh tế như chúng tôi, việc mua lại sạp để buôn bán là không thể. Vì miếng cơm manh áo, thôi đành liều vậy”.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, UBND thành phố nên phối hợp với UBND phường để có thể đưa ra những phương án khả thi. Ngoài ra, cần thường xuyên tuyên truyền để nâng cao ý thức cho các tiểu thương buôn bán ở đây. Có thực hiện tốt những vấn đề đã nêu thì mới mong lập lại trật tự, trả lại sự thông thoáng cho các tuyến đường quanh chợ Bình Tân.

NHẬT MINH