04:11, 15/11/2010

Nỗi lo của phụ huynh học sinh và giáo viên

Theo quy định, các dịch vụ Internet công cộng phải cách xa trường học tối thiểu 200m. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang lại có rất nhiều tiệm Internet ở ngay sát cổng trường, thậm chí là những trường tiểu học.

Theo quy định, các dịch vụ Internet công cộng phải cách xa trường học tối thiểu 200m. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang lại có rất nhiều tiệm Internet ở ngay sát cổng trường, thậm chí là những trường tiểu học. Điều đáng nói là hầu hết khách hàng của những tiệm Internet ấy toàn là học sinh. Thực tế này gây nên sự lo lắng cho phụ huynh học sinh và cả giáo viên vì tình trạng học sinh bỏ học chơi game hay chát chít có xu hướng ngày càng tăng.

Có thể hiểu được rằng đối tượng chính của những tiệm Internet công cộng chính là các em học sinh, những game thủ “nhí”, nên ưu tiên hàng đầu để mở một tiệm kinh doanh Internet là các chủ cửa hàng chọn địa điểm gần trường học để thu hút các khách hàng tiềm năng này. Dạo quanh một số trường học ở địa bàn TP. Nha Trang, chúng tôi thấy có nhiều tiệm Internet kinh doanh ngay sát cổng trường. Điển hình như tiệm Internet Server ở vị trí đối diện với cổng chính Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (đường Hai Bà Trưng). Khách hàng trong quán Internet này hầu hết là các em học sinh Trường Chu Văn An. Hôm có mặt tại quán, chúng tôi chứng kiến hai nữ sinh nói chuyện: “Hay là mình vào học đi, có thể hôm nay cô giáo kiểm tra đấy”; “Vào lớp mệt lắm, mình nhảy audition đi, nếu kiểm tra thì tụi nó nhắn tin, lo gì’. Và thế là hai cô nữ sinh ngồi vào hai máy chơi game.

Tình trạng học sinh bỏ học chơi game online ngày càng phổ biến khi các tiệm Internet “án ngữ” ngay cổng trường như thế này. Nguy hại hơn, ngay cả những học sinh ở bậc tiểu học cũng là đối tượng khách hàng để các chủ kinh doanh nhắm tới. Tiệm Internet H&H2 tại đường Lê Hồng Phong chỉ cách Trường Tiểu học Phước Hòa 2 chưa đầy 100m. Tuy trời rất nắng nhưng chúng tôi vẫn thấy 2 học sinh chạy vào tiệm này khi mới có tiếng trống ra chơi. Cả hai rủ nhau tranh thủ thời gian ra chơi để chơi điện tử. Đối diện cổng Trường Tiểu học Phước Hòa 1 (đường Trần Nhật Duật) là một tiệm kinh doanh “mini game” bán thẻ kèm theo máy tính nối mạng cho game thủ “nhí” nào có nhu cầu. Chị Thủy, ở đường 2-4, đi đón con học ở Trường Phổ thông Cơ sở Nguyễn Khuyến (đường Ngô Đến). Chị chờ con đến tận gần 6 giờ tối vẫn không thấy con ra, trong khi các bạn đã về hết. Lo lắng, chị gọi điện cho chồng và con trai cả đến tìm cô con gái út. Sau một hồi hỏi thăm những người xung quanh cổng trường mới biết, thì ra con gái chị bỏ học từ đầu giờ chiều để chơi game online cùng với bạn, mải chơi đến nỗi tan trường rồi vẫn không hay. Điều đáng nói là ngay trên con hẻm ở đầu đường đi vào Trường Nguyễn Khuyến có 2 tiệm Internet với rất nhiều máy tính nối mạng. Hai tiệm này sát nhau và cách trường chỉ 50m. Hai tiệm net này không có tên, chỉ buông mành che một phần cửa và ai tinh ý mới thấy. Nhưng khi vào rồi thì ai cũng bàng hoàng vì rất nhiều em học sinh cả nam lẫn nữ đang dán mắt vào màn hình máy tính với đủ các trò game khác nhau… Tương tự, một số trường như Trung học Cơ sở Trưng Vương có tiệm Internet Bin Bin (đường Phạm Hồng Thái) cách trường chưa đến 200m, ngoài ra còn mấy tiệm Internet khác cách cổng trường trên dưới 200m. Đó là chưa kể đến rất nhiều tiệm Internet khác “bủa vây” Trường Đại học Nha Trang và Đại học Tôn Đức Thắng.

Một câu hỏi được đặt ra là những tiệm Internet này có được cấp phép hoạt động và công tác kiểm tra thực hiện ra sao? Trong lúc cả xã hội đang “đau đầu” về game online mà học sinh là một trong những đối tượng bị tác động mạnh nhất nhưng những chủ kinh doanh này vẫn bất chấp. Đề nghị cơ quan chức năng cùng các cấp, các ngành hữu quan xem xét lại tình trạng kinh doanh của những tiệm Internet này. Đó cũng là cách giúp các em học sinh chú ý học hành, còn phụ huynh thì an tâm hơn.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ