Quyết định số 239/QĐ ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 có tiêu chí: “Hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền khác nhau đều được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1”.
Quyết định số 239/QĐ ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 có tiêu chí: “Hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền khác nhau đều được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1”. Đây là một đề án lớn với nguồn kinh phí dự kiến 14.660 tỷ đồng, trong đó riêng phần xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật đã lên tới 11.400 tỷ đồng. Việc thực hiện đề án này ở Khánh Hòa ra sao, còn chờ kế hoạch của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, nhưng nếu căn cứ vào các điều kiện, tiêu chuẩn phổ cập thì đây không phải là chuyện quá khó khăn, xa vời, bởi hiện nay tỉnh đã có thể đạt chuẩn đối với 2/4 điều kiện. Thực tế đã có một số xã, phường có thể đạt chuẩn một cách tự nhiên.
Về điều kiện có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là “Có đủ giáo viên (GV) đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, GV được hưởng thu nhập và các chế độ khác theo thang bảng lương GV MN” thì GDMN tỉnh ta đã đạt được một cách cơ bản. Hiện cả tỉnh đã có 981 GV dạy lớp 5 tuổi/tổng số 782 lớp (1,25 GV/lớp); trong đó số GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn là 978 người (99,7%); chỉ còn 3 GV chưa đạt chuẩn là người dân tộc thiểu số (DTTS) đang công tác tại Cam Ranh. Điều đáng mừng là đội ngũ GV ngoài công lập vốn chiếm đến 75% GV đứng lớp MN 5 tuổi đều đã được hưởng các chế độ chính sách như GV công lập, chỉ khác nhau ở nguồn chi trả từ học phí thu của phụ huynh và kinh phí cấp bù từ ngân sách địa phương.
Chúng ta cũng đã đạt khá tốt điều kiện “Trẻ em trong các cơ sở GDMN được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành, được chăm sóc - GD theo chương trình GDMN mới; trẻ em DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1”. Những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học MN của tỉnh luôn đạt ở mức cao (từ 96 - 97% so với độ tuổi); phần lớn học 2 buổi/ngày; hầu hết trẻ em người DTTS đều được dạy tăng cường tiếng Việt. Từ hiệu quả của việc tổ chức bán trú cho trẻ DTTS từ nguồn hỗ trợ 50.000 đồng/cháu/tháng và các nguồn đóng góp khác để ăn trưa tại trường, từ năm học 2010 - 2011, HĐND tỉnh đã có nghị quyết nâng mức hỗ trợ lên 150.000 đồng/cháu/tháng cho tất cả học sinh mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi là con em đồng bào DTTS. Từ đó, việc tổ chức chăm sóc, GD cho đối tượng này sẽ tốt hơn về nhiều mặt, trong đó có việc làm quen và rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt thuần thục hơn trước khi bước vào lớp 1.
Những khó khăn, vướng mắc trên con đường PCGDMN cho trẻ 5 tuổi của tỉnh chủ yếu là về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật. Đối với điều kiện “Có đủ phòng học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn”, hiện chỉ mới đạt 41% (317/782 phòng đạt tiêu chuẩn kiên cố); còn lại là các phòng bán kiên cố và vẫn còn 83 phòng học nhờ, tạm ở các cơ sở khác. Để đạt được điều kiện này, cần phải xây mới 465 phòng học và khoảng 17.000m2 phòng chức năng khác theo yêu cầu thực hiện chương trình GDMN mới. Còn với điều kiện “Trường, lớp có bộ thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình GDMN mới; ở vùng thuận lợi có thêm các bộ đồ chơi, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với vi tính để học tập” thì chỉ có khoảng 10% lớp MN 5 tuổi có trang thiết bị đầy đủ, tập trung chủ yếu ở các trường MN lớn khu vực đô thị; số còn lại còn rất thiếu thốn, nếu có cũng không đồng bộ và đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giáo dục ở các trường MN đã được thực hiện ở 169/175 trường (trong đó có 138 trường đã nối mạng Internet) nhưng số máy vi tính vẫn còn ít và hiệu quả sử dụng chưa cao. Theo tính toán của Sở GD-ĐT, kinh phí để xây dựng thêm phòng học đạt tiêu chuẩn kiên cố, tăng cường các phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị tối thiểu cho các trường MN trong toàn tỉnh nhằm đạt được các điều kiện của đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi ở tỉnh ta khoảng 300 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Lãy, Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT cho biết: Chỉ cần Bộ GD-ĐT cho Khánh Hòa được hưởng 1% ngân sách của dự án (khoảng 150 tỷ đồng) và UBND tỉnh đồng ý bổ sung 150 tỷ đồng thì với sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp GDMN như hiện nay, ngành GD-ĐT Khánh Hòa sẵn sàng đăng ký hoàn thành PCGDMN trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2012 - nghĩa là sớm hơn thời hạn cuối cùng của cả nước đến 3 năm!
LÊ VĂN