06:11, 24/11/2010

Cần quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng cho học sinh

Đợt lũ lụt vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Ở Khánh Hòa cũng có nhiều trường hợp bị chết đuối do lũ cuốn trôi. Thiên tai là chuyện bất khả kháng, nhưng nếu con người được trang bị tốt những kỹ năng để tồn tại trong những điều kiện không bình thường thì có lẽ những cảnh đau lòng sẽ giảm bớt.

Đợt lũ lụt vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Ở Khánh Hòa cũng có nhiều trường hợp bị chết đuối do lũ cuốn trôi. Thiên tai là chuyện bất khả kháng, nhưng nếu con người được trang bị tốt những kỹ năng để tồn tại trong những điều kiện không bình thường thì có lẽ những cảnh đau lòng sẽ giảm bớt.

Cứ mỗi lần nước ngập, tại các đoạn tắc đường hay các vùng trũng ở các xã: Ngọc Hiệp, Vĩnh Trung, Phước Đồng, Vĩnh Thạnh (Nha Trang)… có nhiều thanh niên không biết bơi nhưng vẫn bơi xuồng trong lúc nước lũ chảy xiết để vận chuyển kiếm tiền. Có lẽ họ nghĩ nước không sâu, nếu không may rớt xuống vẫn có thể đi được; hoặc cho rằng mình có sức khỏe nên có thể ứng phó trong tình huống bất trắc. Thế nhưng, thực tế điều đó rất nguy hiểm bởi khi rớt xuống nước, việc di chuyển, vận động sẽ rất khó khăn, cho dù nước không sâu nhưng nếu chảy xiết thì ngay cả người biết bơi cũng gặp khó, chưa nói đến người không biết bơi. Anh bạn tôi có 3 cháu, đứa lớn học lớp 12, đứa nhỏ nhất học lớp 4. Anh kể, trong đợt lũ lụt vừa rồi, anh rất hoảng khi thấy nước tràn vào nhà mà các con thì chẳng đứa nào biết bơi; nếu chẳng may sẩy chân, bị nước cuốn đi thì rất nguy hiểm.

Hiện nay, trong các nhà trường, môn bơi lội chưa được đưa vào giảng dạy chính khóa; mặt khác, nhiều bậc phụ huynh cũng không khuyến khích con em mình đi tắêm, đi bơi ở biển, sông… vì e ngại các nguy cơ tiềm ẩn. Vì thế, tỷ lệ học sinh (HS) chưa biết bơi nhiều cũng không phải chuyện lạ. Nếu sống các khu vực gần biển, sông suối, ao hồ… các em HS có thể tự mày mò hoặc được phụ huynh hướng dẫn để học bơi; còn nếu ở các khu vực đô thị, hoặc xã ngoại thành xa biển, xa các nguồn nước thì có lẽ HS khó biết bơi. Thiếu kỹ năng này, có nghĩa là khi gặp tình huống bất trắc có liên quan đến nước, HS sẽ không có kỹ năng để vượt qua và rất có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội.

Thực trạng này cho thấy HS của chúng ta rất thiếu các kỹ năng sống. Không chỉ chuyện bơi lội, nếu mở rộng vấn đề sẽ thấy HS còn thiếu rất nhiều kỹ năng khác. Chẳng hạn như nếu bị lạc vào một khu rừng hay một vùng đất xa lạ, liệu các em có biết các kỹ năng để sống sót như xác định phương hướng, cách tạo ra lửa khi không có diêm, bật lửa? Cách phát tín hiệu cấp cứu, cách sơ cứu chẳng may bị thương hoặc bị đau bệnh, cách để tránh thú dữ tấn công hoặc các nguy cơ khác như đá lở, mất nhiệt cơ thể do thời tiết mưa, lạnh? Không chỉ các em HS mà ngay cả nhiều người lớn cũng rất mù mờ những chuyện này. Ví dụ trong nhiều vụ tai nạn giao thông, nạn nhân bị bất tỉnh nằm trên đường, ở những trường hợp đó rất nhiều người đã xốc nạn nhân dậy để di chuyển vào vỉa hè… Điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến vết thương của người bị nạn nặng hơn, chẳng hạn như các chấn thương về cột sống. Hoặc trong trường hợp có người nhà bị bệnh, hôn mê, nhiều người cứ thế cạo gió, cắt lễ cho họ hồi tỉnh… mà không biết rằng có những bệnh nếu làm như vậy sẽ khiến bệnh càng nặng. Hoặc như cách thăm mạch, hô hấp nhân tạo, nhồi ngực để khôi phục nhịp tim, cấp cứu cho những người bị hạ đường huyết, bị hen suyễn… cũng chẳng mấy người biết hoặc làm đúng cách. Hoặc trong các trường hợp xe khách gặp nạn, nhiều hành khách không biết cách thoát hiểm sao cho an toàn, không biết cách đập vỡ kính để thoát khỏi xe khi gặp nạn…

Có rất nhiều kỹ năng đơn giản nhưng hầu hết HS không hề biết, trong khi đó những kiến thức về tự nhiên, xã hội chỉ là lý thuyết. Cho nên, khi gặp tình huống cần phải xử lý, các em bị lúng túng là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên những tình huống ấy không phải luôn xảy ra nên sẽ có người cho rằng học những điều ấy là không cần thiết, hơn nữa có những kỹ năng liên quan đến chuyên môn cao (như lĩnh vực y tế), HS không đủ khả năng để hiểu… Thế nhưng, nếu biết và rèn luyện thói quen thực hành thì những kiến thức ấy sẽ là vô giá nếu chẳng may các em bị lâm vào tình huống thực tế. Thậm chí, các em không cần phải biết đến nguyên lý, chỉ cần biết thực hành đúng là đủ. Ví dụ như khi bị rắn cắn, hoặc bị sứa độc quất, các em cần biết rửa sạch, garo vết thương, biết cách hạn chế vận động cho nạn nhân để đến được các trung tâm y tế… Những kiến thức này, nếu các em đã được học và thực hành thì chắc chắn hậu quả sẽ giảm bớt phần nào.

Cho nên, ngoài việc giáo dục thể chất cho HS, việc trang bị thêm các kiến thức khoa học thường thức, các kinh nghiệm xử lý cơ bản nếu chẳng may gặp bất trắc rất cần thiết cho các em vì không ai dám chắc trong cuộc đời mình sẽ không bao giờ gặp những tình huống xấu ấy? Những kinh nghiệm ấy sẽ cùng các em đi suốt cuộc đời và sẽ không bao giờ thừa.

MINH THÙY