09:10, 11/10/2010

Truyện tranh và những nỗi lo

Hiện nay, thị trường truyện tranh ở TP. Nha Trang có thể nói là rất phức tạp, bên cạnh những truyện tranh được trẻ em yêu thích có nguồn gốc từ nước ngoài thì một số truyện tranh trong nước cũng xuất hiện tràn lan.

Hiện nay, thị trường truyện tranh ở TP. Nha Trang có thể nói là rất phức tạp, bên cạnh những truyện tranh được trẻ em yêu thích có nguồn gốc từ nước ngoài thì một số truyện tranh trong nước cũng xuất hiện tràn lan. Đáng báo động là những truyện tranh này chỉ nhằm mục đích câu khách để có lợi nhuận cao mà không chú ý đến chất lượng, tính giáo dục, thẩm mỹ cũng như thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của thế giới truyện tranh; phần chìm là những truyện tranh đang lưu hành trên mạng Internet, thu hút một lượng lớn độc giả là trẻ em…

° Truyện tranh trong nước: Nỗi lo nguyên bản

Hãy bắt đầu bằng những truyện tranh trong nước mà nội dung là các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam. Mục đích của nhà xuất bản loại truyện tranh này là rất tốt, phù hợp với mong muốn của đại đa số phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, khi xuất bản và lưu hành trên thị trường thì nó lại gây ra những nỗi lo khác nhau, mà cụ thể là ngôn ngữ và hình ảnh truyện tranh đã khác rất nhiều so với nội dung các tác phẩm nguyên gốc. Xem các truyện tranh Chí Phèo, Tắt đèn hay Giông tố của Công ty Phan Thị ấn hành, đang được bày bán ở nhiều nhà sách tại TP. Nha Trang thì có thể dễ dàng nhận ra, ngôn ngữ của truyện đã không còn mang văn phong của các nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng. Thêm vào đó là những cách tân, lược bớt, những chi tiết mà khi chuyển thể đã không còn đúng với nguyên bản. Đáng chú ý hơn là lời thoại bị bóp méo đi rất nhiều. Và hầu như tất cả những thay đổi, sai khác ấy đều có tính chất làm nổi, câu khách với lời lẽ câu chữ khá thô tục, phản cảm. Điều này có lẽ không cần nói cũng biết nó ảnh hưởng lớn đến khả năng tư duy của trẻ em như thế nào. Cuối cùng là những hình ảnh, đa phần đều gợi cảm, hở hang và trần trụi. Nó sẽ làm tâm lý trẻ em bị lệch lạc khi đọc truyện tranh này.

° Truyện tranh nước ngoài: Khó lường

Bước vào một cửa hàng truyện tranh ở đường Đặng Tất, TP. Nha Trang, đập vào mắt tôi là rất nhiều hình ảnh màu mè sặc sỡ bắt mắt với những cái tên cũng đầy hấp dẫn, thu hút rất nhiều giới trẻ đam mê truyện tranh. Có thể dễ dàng nhận ra các loại truyện tranh hiện nay trên thị trường chủ yếu gồm 2 loại, đó là truyện tranh bạo lực và truyện tranh tình yêu. Mỗi loại thu hút một lượng lớn các em nam và nữ. Với các loại truyện tranh bạo lực, không khí trong truyện nhuốm màu hận thù, bạo lực, phản bội và mất lòng tin ở con người. Chém giết lẫn nhau là cách giải quyết duy nhất của những nhân vật trong loại truyện này. Khi tôi đọc xong một tập truyện tranh Vua quyền thì thấy dường như mình cũng bị kích động mạnh bởi ngôn ngữ thô tục và những âm mưu phản bội, tình thầy trò, cha con… bị rẻ rúng, thay vào đó là tham vọng chiếm lĩnh tất cả. Chợt rùng mình, người lớn đọc còn bị ám ảnh vậy, huống hồ các bạn trẻ, những em học sinh sinh viên. Thử hỏi, các em sẽ bị kích động và phản ứng thế nào khi thường xuyên đọc những loại truyện tranh này?

Còn với các em nữ, chủ yếu là các loại truyện tranh lả lướt với vô vàn những hình ảnh khêu gợi, kích thích trí tò mò với nội dung là những đoạn miêu tả tình yêu đau khổ và những ham muốn cơ thể lộ liễu nhằm thỏa mãn xác thịt cho bản thân. Hầu như các cửa hàng truyện tranh thường nằm gần cổng trường để thu hút nhiều em học sinh, điều đó là một mối nguy hại vô cùng mà phụ huynh không lường hết được.

Theo ý kiến của hầu hết bậc phụ huynh hiện nay thì không thể kiểm soát được truyện tranh. Ngay các nhà quản lý hay những nhà xuất bản cũng không kiểm soát hết các loại truyện tranh trôi nổi trên thị trường. Và câu hỏi đặt ra là nên làm gì để quản lý cũng như làm trong sạch môi trường truyện tranh hiện nay nhằm mang đến những thông tin hình ảnh lý thú, bổ ích cho các em thanh thiếu niên? Vấn đề này vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ