06:10, 31/10/2010

Tình trạng tự ý sử dụng thuốc - hậu quả khó lường

Lâu nay, nhiều người vẫn có thói quen tự ý mua thuốc để chữa một chứng bệnh nào đó mà không cần đến sự chẩn đoán, kê đơn của bác sĩ (BS). Có người sử dụng toa thuốc của người khác để tự chữa bệnh cho mình khi thấy triệu chứng bệnh của mình giống với bệnh của người đó. Tình trạng nhân viên bán thuốc kiêm “bác sĩ” đã và đang trở nên phổ biến và điều này có lúc, có nơi đã gây nên những hậu quả khó lường.

Lâu nay, nhiều người vẫn có thói quen tự ý mua thuốc để chữa một chứng bệnh nào đó mà không cần đến sự chẩn đoán, kê đơn của bác sĩ (BS). Có người sử dụng toa thuốc của người khác để tự chữa bệnh cho mình khi thấy triệu chứng bệnh của mình giống với bệnh của người đó. Tình trạng nhân viên bán thuốc kiêm “bác sĩ” đã và đang trở nên phổ biến và điều này có lúc, có nơi đã gây nên những hậu quả khó lường. 

Cách đây hơn 1 năm, chị T.T.M.P ở xã Vĩnh Ngọc (Nha Trang) bị tai nạn xe máy gãy xương bả vai. Lúc đó, vì sợ bị mổ nên chị không đến BS mà tìm đến một thầy lang để bó thuốc. Chị theo ông thầy lang này được một thời gian thì bỏ. Sau đó, chị tự ra tiệm thuốc mua thuốc uống mỗi khi thấy đau. Bây giờ, tay trái của chị đã thành tật. Chị không đi được xe máy vì mỗi khi đưa tay ra phía trước thì vết thương cũ lại đau buốt. Lúc này, chị mới chịu đến BS. BS bảo xương của chị chưa lành, bây giờ vẫn phải mổ lại nhưng sẽ khó hơn là mổ ngay khi mới bị thương vì chỗ gãy đã thành dị tật do để quá lâu. “Thật đúng là tiền mất, tật mang”, chị P. than.

Trường hợp cụ ông N.V.T ở đường Ngô Gia Tự (Nha Trang) lại là một tình huống hết sức nguy hiểm khi sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của BS. Trước đó, cụ T. có triệu chứng tê, mỏi tay, chân bên trái. Cụ đến BS đo điện tim thì được BS chẩn đoán tim mạch bình thường và khuyên cụ nên bỏ thuốc lá. Cụ T. kể chuyện bệnh của mình với một vài cụ ông cùng sinh hoạt trong tổ dân phố và được tư vấn nên uống mỗi ngày một viên aspirin để điều trị dự phòng bệnh tim mạch. Chỉ một tuần sau khi thực hiện theo hướng dẫn của… cụ ông nọ, cụ T. đã phải nhập viện cấp cứu vì bị xuất huyết tiêu hóa. “Sau này tôi mới biết, bị bệnh dạ dày tuyệt đối không được uống aspirin vì tác dụng phụ của thuốc này là gây loét dạ dày. Tôi vốn có tiền sử đau dạ dày nên khi uống aspirin là bị loét dạ dày, gây chảy máu”, cụ T. cho biết.

Theo các BS, việc tự ý sử dụng thuốc của người dân hiện nay khá phổ biến, nhất là những trường hợp bị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau nhức mình mẩy, ho, khó ngủ, táo bón, chướng bụng, ợ chua, ăn khó tiêu… Người bệnh thường tự đến các hiệu thuốc, mô tả triệu chứng và mua thuốc tự điều trị. Việc tự ý dùng thuốc trong những trường hợp kể trên có thể không gây nguy hiểm cho cơ thể vì hầu hết những bệnh trên là bệnh nhẹ, không gây ra nhiều xáo trộn về sinh lý cũng như các chức năng của cơ thể. Do cơ thể chúng ta có khả năng tự điều hòa và tự bài thải nên có thể tự phục hồi nếu được nghỉ ngơi, bồi dưỡng đầy đủ. Tuy nhiên, việc tự ý dùng thuốc là rất nguy hiểm (dù là những thuốc thông thường) do những tác hại không thể lường trước được như ngộ độc thuốc, dị ứng do thuốc. Vì thế, chúng ta không nên tự ý dùng thuốc dù đó là thuốc bổ hay thuốc chữa các bệnh thông thường như giảm đau, hạ sốt.  

Chị Nga ở đường Lê Hồng Phong (Nha Trang) cũng gặp nạn khi nhờ cô bán thuốc “kê đơn”. Bị đau đầu, chị ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc. Cô bán thuốc cho chị 1 vỉ 4 viên Decolgen và dặn uống làm 2 lần. Trưa uống 2 viên, chiều uống 2 viên mà chẳng thấy đỡ, chị Nga lại tìm tới cô bán thuốc nhờ “kê” thêm. Chị được cho tiếp một vỉ thuốc chữa cảm cúm Rhumenol. Từ lúc đó đến đêm, chị uống 4 viên nữa và đêm đó chị lên cơn tăng huyết áp, đau đầu dữ dội, phải đi cấp cứu. Tại bệnh viện, BS cho biết, chị bị ngộ độc vì quá nhiều tá dược paracetamol có trong 2 loại thuốc. 2 loại thuốc chị dùng tuy khác nhau về tên gọi nhưng đều chứa paracetamol. Chị đã dùng 8 viên, tức uống liều gấp đôi cho phép. Ngoài ra, trong cả 2 loại thuốc này đều có thêm thành phần co mạch (làm giảm các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi…) nên khi uống quá nhiều huyết áp sẽ tăng cao.

Theo các BS, việc tự ý dùng thuốc là vô cùng nguy hiểm do thuốc (nhất là thuốc giảm đau) sẽ làm lu mờ các triệu chứng của bệnh khiến việc chẩn đoán bệnh trở nên khó khăn. Việc uống thuốc giảm đau khiến chúng ta tưởng bệnh đã khỏi nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được do chậm trễ trong việc mổ cấp cứu đối với các bệnh gây đau bụng như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp, viêm vòi trứng, thai ngoài tử cung… Đối với thuốc kháng sinh, việc dùng thuốc không đúng có thể gây tình trạng lờn thuốc. Một số thuốc có thể gây dị ứng, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến loãng xương, phù, cao huyết áp…, nhất là các thuốc coticoides dùng để trị đau nhức. 

Vì thế, chúng ta cần hết sức cân nhắc khi sử dụng thuốc, kể cả các loại thuốc bổ và càng thận trọng hơn khi dùng thuốc bằng đường tiêm chích. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và phải có sự hướng dẫn của BS. Đặc biệt, không nên tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị và không dùng thuốc kéo dài trong nhiều tháng.

NGỌC KHÁNH