L.T.S: Trên báo Khánh Hòa số 3132, Thứ ba, ngày 5-10-2010, ở chuyên trang Bạn đọc và Tòa soạn có đăng bài “Việc taxi đón lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh tại sân bay Cam Ranh bị khóa: Hành khách thấy bất bình”. Sau khi báo phát hành, Tòa soạn tiếp tục nhận được phản hồi của bạn đọc. Để rộng đường dư luận, ở số báo này, Tòa soạn xin được tiếp tục giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Gia Nùng.
L.T.S: Trên báo Khánh Hòa số 3132, Thứ ba, ngày 5-10-2010, ở chuyên trang Bạn đọc và Tòa soạn có đăng bài “Việc taxi đón lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh tại sân bay Cam Ranh bị khóa: Hành khách thấy bất bình”. Sau khi báo phát hành, Tòa soạn tiếp tục nhận được phản hồi của bạn đọc. Để rộng đường dư luận, ở số báo này, Tòa soạn xin được tiếp tục giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Gia Nùng.
|
|
Sân bay Cam Ranh (SBCR) được nâng cấp thành Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (CHKQTCR) khiến không chỉ người dân Khánh Hòa mà cả bạn bè gần xa, cả trong và ngoài nước, đều vui mừng trước dấu ấn phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong ngành Du lịch Khánh Hòa, trên con đường phát triển và hội nhập thế giới. Vậy mà niềm vui chưa được bao lâu, gần đây bỗng có những tín hiệu đáng buồn về việc tổ chức đưa đón khách bằng phương tiện taxi ở sân bay này khiến du khách ngán ngẩm, bất bình. Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, có dịp ra Hà Nội rồi trở về lại Nha Trang, cả hai lần tôi đều cẩn thận mua vé taxi ra sân bay ngay tại quầy bán vé máy bay với giá 170.000 đồng/lượt, nhưng khi từ Hà Nội bay về lại Cam Ranh thì 2 lần đi 2 cách khác nhau. Lần đầu, vừa xuống sân bay, may mắn được gặp một ông bạn “cỡ VIP” cùng bay có xe đón nên mọi việc êm xuôi, không có gì phải bận tâm. Nhưng chuyến về lần thứ hai thì gặp trục trặc khiến tôi rất ngạc nhiên, lạ lùng. Xuống sân bay, tôi ghé ngay quầy bán vé xe của Cảng hàng không. Thấy có 2 loại: vé xe buýt 12 chỗ về sân bay Nha Trang cũ giá 40.000 đồng/khách, còn vé taxi lên tới 270.000 đồng, tôi liền mua vé xe buýt, nghĩ về đến sân bay Nha Trang cũ sẽ đi taxi về nhà, tiết kiệm hơn. Nhưng khi ra cửa sân bay thì không thấy xe buýt đâu. Loanh quanh một lát mới tìm được cô nhân viên hướng dẫn nói: “Mới chỉ có mình chú mua vé nên phải chờ. Có thể đón chuyến bay sau có thêm người, xe mới chạy được!”. “Phiền cháu trả lại vé giúp chú, được không?”. “Không được. Chú phải trả lại ở chỗ bán vé!”. Bực mình, tôi bỏ luôn chiếc vé vừa mua 40.000 đồng và kéo hành lý ra tìm taxi. “270.000 đồng, chú đi xe nào cũng vậy thôi!”. Tôi lẳng lặng lên một chiếc xe, không hỏi gì thêm. Nhưng chưa hết! Qua cổng kiểm soát, xe dừng lại. Lái xe nói tôi đưa 10.000 đồng trả lệ phí qua cổng. Ngạc nhiên, nhưng vẫn không nói gì, tôi đưa 10.000 đồng cho lái xe. Ra khỏi sân bay khoảng 500 - 600m tôi thấy có một số taxi đậu ở khoảng trống bên đường trơ trụi, không một bóng cây. Hỏi lái xe mới biết đây là xe của hãng Mai Linh và vài hãng khác không được vào đón khách tại sân bay. Mấy ngày sau, tìm hiểu thêm nhiều người, tôi được biết thêm nhiều thông tin nhức nhối: Chỉ có taxi của CHKQTCR và Nha Trang taxi mới được vào sân bay đón khách, còn Mai Linh và tất cả các hãng khác phải đậu ở khoảng xa sân bay. Tuy khi đưa khách vào sân bay, taxi của các hãng này đã phải mua vé vào cổng nhưng tuyệt đối không được đón khách từ sân bay, dù xe chạy vào rồi quay ra đi luôn. Nhà báo Nguyễn Chính đưa khách vào sân bay bằng taxi Mai Linh, chỉ xách hành lý cho khách xuống xe rồi lên xe về cùng cũng bị bảo vệ sân bay đuổi xuống và bắt taxi phải ra khỏi sân bay ngay lập tức, nếu không sẽ bị phạt và “khóa xe”. Đã có nhiều taxi của Mai Linh và các hãng khác đã bị “khóa xe” như vậy. Từ sân bay, hầu như không có hành khách nào có thể xách, đẩy hành lý suốt đoạn đường hơn nửa km để đi taxi khác. Tài xế xe Mai Linh đã từng phải đóng vai người nhà để chở khách bằng xe máy từ sân bay ra taxi, cũng bị bảo vệ sân bay phát hiện, bắt giữ. Thậm chí, lái xe bỏ đồng phục vào ăn uống ở cửa hàng của sân bay cũng bị bảo vệ phát hiện, báo cho cửa hàng không bán. Đậu xe ở phía ngoài xa, trên bãi cát không một bóng cây, đói, khát, lái xe phải mang theo bánh mì, cơm hộp, thậm chí nhai mì ăn liền sống rồi uống nước. Gần đây nhất, ngày 18-9-2010, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên Hồ Minh Châu đi công tác Hà Nội về, xe Mai Linh vào đón cũng bị bảo vệ sân bay vô cớ khóa, xe đuổi ông Hồ Minh Châu và người đi cùng xe là nhà báo Nguyễn Bá Hưng (Thông tấn xã Việt Nam tại Khánh Hòa) vừa đi họp Đại hội thi đua ngành về, cùng với hành lý còn lỉnh kỉnh bằng khen, giấy khen, phần thưởng của Đại hội… phải xuống xe đi bộ ra khỏi sân bay. Rất nhiều khách trong nước và quốc tế đến SBCR đều gặp những rắc rối, phiền hà tương tự nếu xuống sân bay lại không sử dụng taxi của sân bay mà muốn đi các hãng khác. Được biết, ông Giám đốc CHKQTCR còn có 4 chiếc taxi 4 chỗ và 7 chỗ mang các biển số 79D-1916, 79D-7199, 79D-7195 và 79D-0502 tự khai thác riêng trong sân bay.
Đây quả là những điều rất không đáng có ở một sân bay vừa được nâng cấp thành sân bay quốc tế, lại ngay trên đất Khánh Hòa, một trung tâm du lịch quan trọng của cả nước, luôn phấn đấu thực hiện “văn minh, thân thiện, mến khách”. Được biết, chuyện tổ chức quản lý kinh doanh dịch vụ taxi ở SBCR đã trở thành “điểm nóng”, tới mức ngày 13-8-2010, UBND tỉnh đã phải triệu tập cuộc họp các bên liên quan do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng chủ trì và đã có văn bản kết luận CHKQTCR phải chấn chỉnh lại tổ chức, bàn bạc với các bên liên quan, bảo đảm công bằng, công khai, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và góp phần tạo ấn tượng tốt cho khách đến Khánh Hòa. Nhưng từ đó đến nay, không những không có chuyển biến tích cực nào mà xem ra chiều hướng còn xấu đi.
Ai cũng biết lợi ích lớn nhất của ngành Du lịch không phải là thu được tiền bằng bất cứ giá nào mà điều quan trọng nhất là “xuất khẩu ấn tượng”. Tuy có bỏ ra nhiều tỷ đồng để quảng bá cho du lịch Khánh Hòa, nhưng ngay từ cửa ngõ đón khách đã phơi ra cảnh lộn xộn, kinh doanh không lành mạnh, cốt để “móc túi khách” thì các khâu khác có tổ chức tốt đến mấy, hiệu quả cuối cùng thu vễ vẫn là con số âm. Không thể vì bất cứ lý do gì lại cho phép cá nhân hay một nhóm người nào có quyền dùng tài sản chung để thu lợi riêng, để người mất lớn nhất lại là tất cả người dân của Khánh Hòa, nơi đất và người từ xưa đến nay đã có truyền thống văn minh, thân thiện và mến khách.
Nhà văn Nguyễn Gia Nùng