09:10, 28/10/2010

“Khổ” vì giá điện

Mức giá điện sinh hoạt quy định cho mỗi hộ là cố định và tính theo hệ số lũy tiến nên nếu hộ dân nào dùng càng nhiều thì giá điện càng tăng, tiền điện càng nhiều. Quy định này nhằm tạo sự công bằng trong việc sử dụng điện và khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Tuy nhiên, đối với những hộ kinh doanh nhà trọ, đây lại là cách để họ “cắt cổ” những người thuê trọ…

Mức giá điện sinh hoạt quy định cho mỗi hộ là cố định và tính theo hệ số lũy tiến nên nếu hộ dân nào dùng càng nhiều thì giá điện càng tăng, tiền điện càng nhiều. Quy định này nhằm tạo sự công bằng trong việc sử dụng điện và khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Tuy nhiên, đối với những hộ kinh doanh nhà trọ, đây lại là cách để họ “cắt cổ” những người thuê trọ…

Vợ chồng anh Hoàng Văn Sơn quê ở Cam Lâm. Vì ở quê không có đất sản xuất, không làm gì ra tiền nên anh chị và 2 con dắt díu nhau ra Nha Trang sống. Anh làm nghề phụ hồ, chị thì buôn bán lặt vặt ở chợ. Vợ chồng anh thuê một căn phòng nhỏ khoảng 10m2 tại tổ 3 Ngọc Hiệp với giá 400 nghìn đồng/tháng, tiền điện nước trả riêng. Khi thuê nhà, bà chủ nói: “Vì chị phải chịu giá điện kinh doanh, tiền điện hàng tháng rất cao nên người thuê phải chịu mức giá 3.000 đồng/kWh”. Nghĩ cũng chẳng đáng là bao nên anh chị đồng ý, vả lại ai thuê trọ trong khu vực này đều phải chịu mức giá đó nên anh chị chẳng phàn nàn gì. Thế nhưng, dù đã rất tiết kiệm điện, chỉ dùng vào các nhu cầu tối thiểu như đèn, quạt mà hàng tháng anh chị phải trả đến cả trăm ngàn đồng, bằng với một hộ dùng điện tương đối thoải mái.

Có rất nhiều trường hợp như anh Sơn, nhất là các khu vực có sinh viên, công nhân, người dân lao động thuê trọ như ở Vĩnh Phước, Bình Tân, Ngọc Hiệp… Vì thu nhập không cao nên họ chấp nhận phải tiết giảm nhu cầu mới khỏi bị “thâm thủng ngân sách” do giá điện ở trọ quá cao. Đối với những người nghèo, việc phải tiết kiệm là chuyện đương nhiên; nhưng đối với những người có thu nhập khá hơn thì tiền điện họ phải trả mới “khiếp”. Anh Hoàng Đức Tín là nhân viên một doanh nghiệp bảo hiểm, vợ làm ngân hàng nên thu nhập tương đối khá. Cả hai đều là dân nhập cư nên chưa có nhà đất riêng, phải đi thuê. Vì chưa có con cái nên họ chọn thuê một căn phòng chất lượng tương đối tốt ở Bình Tân với giá 700.000 đồng/tháng, tiền nước, điện trả theo công tơ (giá điện 3.000 đồng/kWh). Vì có thu nhập khá nên họ dùng điện thoải mái hơn, có thêm tủ lạnh và nồi cơm điện. Tuy khá tiết kiệm nhưng hàng tháng họ cũng phải trả từ 300 - 400 ngàn đồng tiền điện, gần bằng một nửa tiền thuê trọ! Căn nhà của chủ cho thuê có 4 phòng như vậy, phòng nào cũng trả tiền điện với mức tương đương nhau. Nếu làm một phép toán thì có thể thấy ngay số tiền người thuê nhà phải trả quá dư thừa so với số điện họ sử dụng. Ví dụ mỗi tháng mỗi phòng sử dụng hết 100kWh, họ phải đóng 300 nghìn đồng; vậy số tiền điện phải trả của 4 phòng là 1,2 triệu đồng. Nếu tính theo giá quy định của Bộ Công thương ban hành theo Thông tư 08/2010 ngày 24-2-2010 về quy định giá bán điện năm 2010 thì tổng số tiền 4 hộ này phải trả chỉ là 577.200 đồng. Còn nếu giả sử chủ nhà ở chung và cũng sử dụng điện (cứ cho trung bình 200kWh/tháng) thì số tiền chủ nhà phải trả là 220.600 đồng, còn có người thuê phải trả cũng chỉ là 734.600 đồng (tất cả số tiền trên đều chưa cộng thuế giá trị gia tăng). 

Như vậy có thể thấy, số tiền 1,2 triệu đồng mà chủ nhà thu của 4 phòng thuê là vượt quá so với thực tế sử dụng của các hộ. Như ví dụ ở trên, nếu có dùng điện thì chủ nhà cũng bỏ túi thêm mỗi tháng gần 400 ngàn đồng. Điều đáng nói là sau 400kWh, giá điện chỉ cố định (1.890 đồng/kWh) nên nếu người thuê càng dùng nhiều thì chủ nhà càng được lợi vì họ thu của người sử dụng tới 3.000 đồng, chênh cả 1.000 đồng/kWh. Nếu có ai thắc mắc thì các chủ nhà trọ nói họ phải chịu giá điện kinh doanh. Nhưng thực tế, chỉ có những nhà thuê có đăng ký kinh doanh mới chịu giá điện kinh doanh, còn nếu chỉ thuê trọ “chui” hoặc không đăng ký với địa phương thì chỉ đóng theo giá điện sinh hoạt trong khu dân cư.

Nhiều người rất bức xúc vì chuyện giá điện ở trọ nhưng đều phải ngậm bồ hòn làm ngọt bởi thực tế, họ chính là người cần chỗ ở; kiếm được chỗ sống cho phù hợp với túi tiền đã là “mừng lắm rồi”. Chuyện điện, nước cũng “chẳng đáng là bao” nên không “bới chuyện” làm gì kẻo làm mếch lòng chủ nhà thì phải dọn nhà, lo tìm chỗ mới… 

Thực ra, Nhà nước đã tính đến chuyện này vì trong Thông tư 08/BCT quy định: Sở Công thương phối hợp với Công ty Điện lực kiểm tra và giám sát việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà nhằm đảm bảo người thuê nhà được áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Chỉ thị 11/CT-BCT ngày 15-3-2010 của Bộ Công thương cũng quy định nhằm đảm bảo vấn đề trên. Đó là thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương. Các công ty điện lực kiểm tra việc thực hiện giá điện tại các địa điểm cho thuê nhà, trường hợp phát hiện vi phạm, lập biên bản, gửi Sở Công thương xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuy những quy định này có từ đầu năm nhưng tình trạng trên vẫn tồn tại và không phải ai cũng biết được quy định này. Năm 2011, nếu có quy định về giá bán điện mới, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện vấn đề này để người ở trọ bớt thiệt thòi.

QUANG HÒA