01:10, 11/10/2010

Một số kiến thức về công tác phòng, chống bão

Bão và áp thấp nhiệt đới là một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm, thường gây ra gió xoáy mạnh, sóng biển lớn, đôi khi có cả sóng thần, nước biển dâng cao, mưa lớn dẫn đến ngập, lũ lụt. Việc khắc phục hậu quả do bão không chỉ khó khăn với các nước chậm phát triển, mà đối với cả những nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản.

Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) là một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm, thường gây ra gió xoáy mạnh, sóng biển lớn, đôi khi có cả sóng thần, nước biển dâng cao, mưa lớn dẫn đến ngập, lũ lụt. Việc khắc phục hậu quả do bão không chỉ khó khăn với các nước chậm phát triển, mà đối với cả những nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản.

Bão đứng hàng đầu trong số 6 thiên tai xảy ra ở nước ta, đó là: bão, lụt, hạn hán, cháy rừng, sạt lở đất và động đất. Đối với nước ta, thực tế trong những năm gần đây, bão và ATNĐ là loại thiên tai gây thiệt hại lớn nhất về người, phương tiện, của cải và mùa màng. Chẳng hạn đầu tháng 11-1997, cơn bão Linda làm thiệt hại lên đến 5.600 tỷ đồng. Gây hậu quả nặng nề nhất là cơn bão số 9 (Ketsana) đổ bộ vào miền Trung, Tây Nguyên vào tháng 10-2009 làm 172 người chết, 12 người mất tích, thiệt hại trên 14.300 tỷ đồng. Trong cơn bão số 11 ngay sau đó (tháng 11-2009), các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục phải hứng chịu với 122 người chết, 2 người mất tích, tài sản bị thiệt hại ước tính 5.000 tỷ đồng, và hậu quả do bão gây ra đối với kinh tế - xã hội phải mất vài năm mới khôi phục lại được.

Mùa mưa bão năm 2010 ở Khánh Hòa đang cận kề. Chúng tôi đưa ra một số kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống bão, mưa lớn, lũ lụt trên đất liền. Về phòng, chống gió mạnh, cần có sự hiểu biết về đặc điểm gió mạnh trong vùng bão để phòng, chống gió mạnh có hiệu quả. Khi bão di chuyển trên biển, chế độ gió trên đất liền ven biển nước ta chủ yếu là hướng gió Tây Bắc. Tùy theo vị trí tương đối của địa điểm so với vị trí và đường đi của bão, diễn biến về hướng gió sẽ thay đổi khác nhau. Nếu địa điểm nằm ngay trên đường đi của bão, hướng gió Tây Bắc thường duy trì và mạnh dần lên tới cường độ mạnh nhất khi tâm bão (mắt bão) đến gần. Khi vào vùng tâm bão, gió nhẹ hoặc lặng gió kéo dài 30 phút tới 1 tiếng đồng hồ. Sau đó, gió mạnh lên đột ngột và đổi sang hướng Đông Nam, ngược với hướng gió thổi khi trước. Không ít người lầm tưởng rằng, bão suy yếu nên không chuẩn bị để phòng, chống gió mạnh trở lại sau khi tâm bão đi qua.

Ở vùng phía Bắc, đường đi của bão, gió thường chuyển hướng Tây Bắc, rồi sang Đông Nam; còn ở vùng phía Nam, đường đi của bão, gió chuyển hướng từ Tây Bắc qua Tây Nam rồi sang Đông Nam, sức gió mạnh hay yếu tùy thuộc vào khoảng cách gần hay xa so với tâm bão. Trước mùa mưa bão, cần kiểm tra cây cối, nhất là những cây to, cao trong thành phố để loại bỏ cây cành khô mục, cắt bớt cành nhỏ để giảm tải trọng gió; kiểm tra độ an toàn của điện, nhà cửa, kho tàng. Khi nhận được bản tin bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp phải khẩn trương tiến hành sơ tán người ở những nơi nguy hiểm; chằng chống nhà cửa; giằng buộc mái, đặc biệt là nhà mái tranh và tôn. Khi nghe tin bão, cần chú ý vị trí tâm bão, cường độ bão, đường đi của bão so với địa điểm ta ở để có thể phán đoán được các đặc trưng của gió, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống gió mạnh cho thích hợp nhằm hạn chế những tác hại có thể xảy ra.

Về phòng, chống mưa lớn, lũ lụt: Ngoài tác hại của gió, tác hại của mưa lớn do bão, ATNĐ đổ bộ vào đất liền rất lớn, trong một số trường hợp thiệt hại do mưa lớn còn lớn hơn cả thiệt hại do gió mạnh gây ra. Biện pháp chủ động để phòng, chống mưa lớn, lũ lụt do bão và ATNĐ gây ra là hàng năm phải tu bổ đê điều, kè cống, trồng mới và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện và nhân lực để có thể ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều. Khi nhận được tin bão và ATNĐ khẩn cấp, phải có kế hoạch sơ tán người, của cải và vật tư đến nơi cao, có thể phải tháo bớt nước trong đồng đề phòng úng ngập. Ở miền núi, do sông suối hẹp và ngắn, địa hình dốc nên đề phòng lũ quét và lũ ống, hiện tượng bào mòn, rửa trôi lớp đất bề mặt có thể xảy ra khi bị ảnh hưởng của bão.

Để phòng, chống mưa lớn, lũ lụt có hiệu quả cần phải có những hiểu biết nhất định về đặc điểm mưa bão ở từng địa phương. Chính vì vậy, công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại, khắc phục hậu quả do bão, ATNĐ gây ra là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ, đặc biệt là quy hoạch bố trí sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, khu dân cư cho phù hợp và thích nghi với bão, ATNĐ và lũ lụt.

NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG