11:10, 13/10/2010

Cần độc đáo hay tiện dụng?

Cách đây khá lâu, hiệu trưởng một trường mầm non lớn của tỉnh sớm có “sáng kiến” mỗi ngày các cháu mặc quần áo một màu khác nhau cho thêm phong phú, sinh động. Rất may cho các bậc phụ huynh là ý tưởng ấy đã bị phản ứng quyết liệt ngay từ khi mới đưa ra cuộc họp của hội đồng nhà trường;

Cách đây khá lâu, hiệu trưởng một trường mầm non lớn của tỉnh sớm có “sáng kiến” mỗi ngày các cháu mặc quần áo một màu khác nhau cho thêm phong phú, sinh động. Rất may cho các bậc phụ huynh là ý tưởng ấy đã bị phản ứng quyết liệt ngay từ khi mới đưa ra cuộc họp của hội đồng nhà trường; nếu như cứ theo ý của vị hiệu trưởng đó thì không biết các gia đình - khi ấy cuộc sống còn khó khăn hơn bây giờ nhiều - tìm đâu ra 6 bộ quần áo theo đúng 6 màu quy định của nhà trường?

Đầu năm học 2010 - 2011, các bậc phụ huynh ở Cam Ranh lại xôn xao về quy định đồng phục ở một trường trung học phổ thông (THPT), đó là mỗi khối lớp một màu khác nhau (khối 10: màu xanh, khối 11: màu nâu, khối 12: màu đen) và phải may ở các tiệm do nhà trường quy định cho đúng kiểu. Một trường THPT khác cũng ở Cam Ranh lại có cách làm không kém phần độc đáo: đồng phục vẫn quần xanh, áo trắng nhưng lễ phục (sử dụng vào ngày Thứ hai và các ngày lễ lớn) lại là… quần trắng, áo xanh! Khá nhiều đơn thư thắc mắc, khiếu nại của phụ huynh gửi đi khắp nơi; ngẫm nghĩ mới thấy nỗi ấm ức của họ rất đáng thông cảm bởi kiểu cách đồng phục ấy phiền toái và rắc rối, không tiện dụng.

Năm nay, các em học sinh của Trường THPT Chu Văn An mặc đồng phục theo đúng truyền thống của các trường thuộc hệ thống Ischool Nguyễn Hoàng. Phải nói rằng, các nữ sinh trong bộ đồng phục áo trắng, váy xanh, nơ xanh khá đẹp nhưng các nam sinh mặc áo trắng thắt cà vạt xanh lại rất giống với các… lái xe của taxi Mai Linh! Có điều, đồng phục của Trường Chu Văn An chỉ hợp với học sinh đô thị; các trường khu vực nông thôn không nên học theo vì nữ sinh ở tuổi bắt đầu trưởng thành mặc váy đạp xe đường xa hoặc phải qua ghe, qua đò thì quả là rất bất tiện. Trường Tiểu học Lộc Thọ có lẽ là một trong những trường đầu tiên của Nha Trang “cách điệu” đồng phục học sinh trên nền xanh - trắng truyền thống với các điểm “nhấn” màu tím nhạt trên cổ, nẹp, túi áo, nhìn khá đẹp… Mấy năm gần đây, nhiều trường tiểu học khác thiết kế đồng phục trường mình tiếp tục đi theo cách này nhưng đổi sang các màu khác như xanh dương, xanh lá cây, vàng, nâu… thực là “trăm hoa đua nở”!

Đồng phục học sinh của nhiều trường phổ thông các cấp trên địa bàn tỉnh nay lại có thêm logo của trường. Phải nói rằng, logo cũng góp phần quan trọng trong việc tạo ra “màu cờ sắc áo”, xây dựng “thương hiệu” nhà trường nhưng thiết kế được logo đẹp, có ý nghĩa không phải là chuyện đơn giản; các trường học ở các thành phố lớn phải tổ chức thi ý tưởng và thuê họa sĩ chuyên nghiệp thực hiện. Hầu hết logo của các trường học trong tỉnh đều thuộc dạng “cây nhà lá vườn” nên chưa đạt yêu cầu về thẩm mỹ và ý nghĩa biểu trưng cần thiết phải có; một số logo quá thô kệch hoặc rườm rà; có trường vài năm lại đổi logo một lần.

Theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đồng phục học sinh do nhà trường quy định với sự đồng tình, thỏa thuận của phần đông phụ huynh học sinh. Đúng là đồng phục đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng nề nếp, giáo dục ý thức gìn giữ truyền thống của mỗi nhà trường; bởi vậy, đảm bảo tính thẩm mỹ, độc đáo là cần thiết để phân biệt học sinh giữa các trường, nhưng cần phải coi trọng tính tiện dụng và phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương, nhất là về đời sống kinh tế của nhân dân. Các vị hiệu trưởng cần suy nghĩ kỹ lưỡng, chín chắn hơn nữa khi quyết định kiểu dáng đồng phục học sinh của trường mình; tránh được bức xúc của phụ huynh và học sinh, lại không bị điều tiếng này nọ khi đặt ra các kiểu đồng phục phải may từ các tiệm may chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế chăng mà 2 trường THPT hàng đầu của tỉnh là Lý Tự Trọng và Nguyễn Văn Trỗi vẫn giữ nguyên đồng phục truyền thống áo trắng - quần xanh từ hàng chục năm qua. Và điều đáng nói là nề nếp, chất lượng giáo dục của các trường này vẫn tốt đẹp hàng đầu đấy thôi!

ĐỖ QUYÊN