03:10, 21/10/2010

Dạy con thời nay sao khó quá!

Đối với các bậc cha mẹ, mối quan tâm hàng đầu vẫn là chuyện nuôi dạy và giáo dục con cái thành người. Xã hội ngày càng phát triển, việc dạy con ngày càng khó. Cái khó ở đây xuất phát từ chỗ trẻ em hiện nay sớm tiếp xúc với thông tin, sớm tiếp xúc với xã hội nên những điều chúng được biết có khi trái ngược với những điều thầy cô, cha mẹ dạy bảo.

Đối với các bậc cha mẹ, mối quan tâm hàng đầu vẫn là chuyện nuôi dạy và giáo dục con cái thành người. Xã hội ngày càng phát triển, việc dạy con ngày càng khó. Cái khó ở đây xuất phát từ chỗ trẻ em hiện nay sớm tiếp xúc với thông tin, sớm tiếp xúc với xã hội nên những điều chúng được biết có khi trái ngược với những điều thầy cô, cha mẹ dạy bảo. Chính vì thế, nhiều trẻ tuy rất ngoan khi còn nhỏ, nhưng đến khi vào cấp 2, cấp 3 lại tự nhiên ngang bướng, bất hợp tác với cha mẹ. Trẻ luôn có những “khoảng trời riêng” mà cha mẹ, thầy cô nhiều khi không bao giờ “xâm nhập” được. Một khi trẻ còn giữ khoảng cách như vậy thì việc rèn dạy, giáo dục trẻ theo cách chúng ta nghĩ là đúng nhiều khi lại rất khó.

Chị Hoàng, bạn tôi có cô con gái năm nay đã 17 tuổi, học lớp 12. Do là năm học cuối cấp nên cháu bận bịu với việc học và các sinh hoạt khác của lớp, trường. Vì vậy, cháu vắng nhà suốt. Cũng từ đây, hầu như chị Hoàng không còn kiểm soát được nếp sinh hoạt của con. Nhiều hôm cháu đi học cả ngày đến 9 - 10 giờ đêm mới về đến nhà, chào hỏi qua loa rồi lên phòng đóng chặt cửa lại. Là một người mẹ, chị Hoàng cảm thấy thực sự lo lắng. Hình như cháu đang dần rời xa chị, xa ngôi nhà yên ấm suốt tuổi niên thiếu…

Chị Hoàng bắt đầu để ý đến sinh hoạt của con gái mình nhiều hơn. Cháu dạo này tiêu tiền nhiều hơn. Nếu chị không cho thì cháu tỏ vẻ giận dỗi, bỏ cơm hoặc không chịu đi học. Càng ngày, bằng linh cảm của người mẹ, chị biết cháu có nhiều bí mật khác thường muốn giấu mình.

Nhà chỉ có hai mẹ con (do chị Hoàng đã ly hôn) nên từ trước đến nay hầu như chuyện gì hai mẹ con cũng thủ thỉ cùng nhau. Tuy bận rộn với chức vụ hiệu trưởng nhưng chị Hoàng vẫn thu xếp thời gian để về ăn cơm với con ngày hai bữa. Cháu là cô bé xinh xắn, học khá và tỏ ra rất hăng hái, năng động với các hoạt động đoàn thể của trường, lớp. Tuy nhiên, không hiểu sao dạo này cháu sống khép kín và dần rời xa bạn bè, xã hội, tự co mình lại trong một lớp vỏ bọc vô hình. Cứ về nhà là cháu lên mạng chìm đắm trong thế giới ảo.

Thấy con gái mình như vậy, chị Hoàng rất lo lắng và bối rối vì không biết phải làm gì. Chị không thể khuyên ngăn hay cấm cản con. Lúc nào chị có ý kiến hay góp ý gì là cháu lại có điệp khúc “con đã lớn rồi, mẹ để con yên, con phải có cuộc sống riêng của con”… Bất lực trong việc dạy dỗ con theo những ý tưởng, khuôn phép tốt đẹp nên cuối cùng chị Hoàng tìm hiểu con bằng cách gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm, bạn bè ở lớp và được biết con chị dạo này thỉnh thoảng bỏ học không lý do. Nhìn cách ăn mặc và trang điểm của con, chị biết đã có những thay đổi to lớn trong con người cháu nhưng lại không có cách nào giúp con được. Có buổi tối, chị biết cháu đi vào quán bar với các bạn, cả nam lẫn nữ… Khi về, chị hỏi thì cháu giận dữ: “Mẹ đừng theo dõi con nữa, con cần tự do, con muốn giải trí”… Rồi cháu phản ứng bằng việc không nói chuyện với chị, bỏ cơm mấy ngày…

Chị Hoàng gần như bất lực trong việc dạy dỗ con mình, ngay ở cái tuổi khó khăn và dễ biến động nhất của con người. Chị thấy mình có lỗi và trách nhiệm nặng nề với con. Chị biết, thời đại ngày nay có rất nhiều cám dỗ với lứa tuổi của cháu. Không ít cô cậu học sinh đã sa đà, bỏ bê học hành vì thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ. Và chị chợt nhận ra, con gái mình từ lâu cũng không còn nghe lời mẹ nữa.

Có rất nhiều trường hợp giống chị Hoàng. Nhiều đứa trẻ bây giờ rất có cá tính và ý thức được cá tính của mình. Là cha mẹ, ai cũng muốn con cái mình nên người nhưng lựa chọn cách giáo dục nào cho phù hợp là rất khó. Có người kiên nhẫn, mềm dẻo thì tìm cách thu hẹp khoảng cách với con cái bằng cách quan tâm, tìm hiểu chúng, nhưng cũng có người nóng nảy, la mắng, đánh đập, buộc chúng theo ý mình. Điều đó rất phản tác dụng vì vừa làm khoảng cách giữa con cái và cha mẹ lớn hơn, vừa ảnh hưởng đến cái tôi đang hình thành của trẻ.

Không biết có phải vì tư duy của hai thế hệ đã khác nhau quá xa hay xã hội có nhiều cám dỗ ngon ngọt mà dạy con thời nay sao khó thế? Hay có phải vì các bậc cha mẹ không biết dạy con?

PHƯƠNG HOA