07:09, 11/09/2010

Lời giải nào cho bài toán thiếu giáo viên tiểu học miền núi?

Hàng năm, lượng giáo viên ra trường từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước khá lớn nhưng rất ít giáo viên muốn công tác tại các huyện miền núi.

Hàng năm, lượng giáo viên (GV) ra trường từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước khá lớn nhưng rất ít GV muốn công tác tại các huyện miền núi. Tình trạng GV thất nghiệp nhiều trong khi các vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo thiếu GV năm nào cũng xảy ra. Mâu thuẫn này cứ tồn tại dai dẳng dù chính quyền các cấp đã rất cố gắng giải quyết. Năm học 2010 - 2011 đã bắt đầu và ở Khánh Hòa, tình trạng thiếu GV tiểu học (TH) miền núi cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm…

Ông Phan Văn Thoại, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Khánh Sơn cho biết, Phòng đã hoàn thành công tác xét tuyển GV mới cho năm học 2010 - 2011 và ký hợp đồng lao động từ ngày 30-8-2010, trong đó riêng GV TH đã tuyển đủ 37 người theo đúng chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, ông Thoại không dám khẳng định năm nay sẽ không thiếu GV TH vì Nha Trang, Cam Ranh và các huyện khác chưa công bố kết quả xét tuyển. Ông cũng đang lo ngại rằng “kịch bản” nhiều GV mới của Khánh Sơn sẽ tự ý bỏ việc sau khi có tên trong danh sách trúng tuyển vào các trường TH ở đồng bằng sẽ lặp lại như các năm học trước. Còn ở Khánh Vĩnh, việc tuyển dụng GV TH xem ra lại khó khăn hơn nhiều. Ông Bùi Hữu Hóa, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, tuy chỉ tiêu được giao là 90 nhưng Phòng chỉ nhận được 38 hồ sơ dự tuyển.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ Sở GD-ĐT cho rằng việc thiếu GV TH sẽ không chỉ xảy ở 2 huyện miền núi, mà rất có thể còn là tình trạng chung của nhiều địa phương khác trong tỉnh, may ra chỉ có thể trừ TP. Nha Trang - vốn có “sức hút” riêng. Điều này rất dễ hiểu vì năm học này, cả tỉnh cần thêm 488 GV TH để đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp nhằm thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày. Thế nhưng, số GV mới tốt nghiệp hệ đào tạo TH từ Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Nha Trang chỉ có 101 người, tính ra chưa đủ so với nhu cầu của riêng Nha Trang (141 người). Có lẽ, do đã thấy trước tình hình gay cấn này nên năm học vừa qua, Sở GD-ĐT cùng với Trường CĐSP Nha Trang đã có biện pháp “chữa cháy” kịp thời là gấp rút mở thêm các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm TH cho hơn 100 sinh viên đã tốt nghiệp hệ đào tạo GV cấp trung học cơ sở nhưng chưa có việc làm; tuy vậy, nếu cộng cả 2 nguồn này thì cũng đạt khoảng 50% nhu cầu bổ sung GV TH của năm nay. Mặt khác, không có gì đảm bảo toàn bộ số GV này sẽ đứng lớp ở các trường TH trong năm học mới 2010 - 2011. Vì thực tế cho thấy, không thiếu trường hợp chấp nhận thất nghiệp tạm thời để kiên trì “phục” 1 suất GV ở các vùng đô thị chứ không chịu công tác ở miền núi; và nhiều trường hợp đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm TH sẽ không làm việc “tay trái” nếu như họ kiếm được 1 hợp đồng ở các trường trung học cơ sở đúng với chuyên môn đào tạo của mình trong suốt 3 năm học ở trường CĐSP.

Đội ngũ GV TH của tỉnh không chỉ thiếu về số lượng mà còn thiếu đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Trong tổng số 4.735 GV hiện có của 187 trường TH, chỉ có 58 GV Anh văn, trong khi năm học này Bộ GD-ĐT có chủ trương chỉ đạo tiếp tục mở rộng việc dạy thí điểm tiếng Anh ở cấp TH. Tin học - môn học tự chọn được khuyến khích phát triển ở các trường TH - lại càng “eo” hơn với vỏn vẹn 11 GV, nghĩa là nếu tính bình quân 17 trường TH mới có 1 GV tin học. Xem ra, việc mở rộng trường TH 2 buổi/ngày ở tỉnh sau khi đã cơ bản đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất, cũng còn vấp phải nhiều trở ngại khác, trước hết là đội ngũ GV.

Thực ra, việc cả tỉnh mỗi năm học thiếu vài trăm GV TH không phải là vấn đề gay cấn lắm (trước đây có những thời điểm tỉnh thiếu GV với số lượng lớn hơn nhiều). Tuy nhiên, do cơ chế tuyển dụng GV hiện nay sẽ làm cho nhiều địa bàn khó khăn, đặc biệt là 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có thể sẽ thiếu GV TH nghiêm trọng và vấn đề này lại càng có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện kế hoạch, chương trình dạy học ở nhiều trường TH do số lượng GV TH ở từng huyện rất ít, không thể điều phối, san sẻ tạm thời như ở các địa phương khác. Trong năm học trước, nhiều trường TH ở miền núi dù tính cả hiệu trưởng, hiệu phó trực tiếp đứng lớp thì cũng chưa đủ 1 GV/lớp. Như vậy, xem ra tình trạng thiếu GV TH miền núi là khá rõ nhưng để giải bài toán ấy có lẽ không phải là điều dễ dàng!

LÊ VĂN