07:09, 16/09/2010

Cần sớm khắc phục tình trạng xuống cấp ở chợ Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa)

20 năm sau ngày xây dựng, chợ Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã xuống cấp trầm trọng, không còn là ngôi chợ đúng nghĩa. Cùng với thời gian, ngôi chợ này đã quá tải, không đủ sức để “gánh gồng”, buộc các tiểu thương phải chiếm dụng các lòng đường xung quanh làm nơi buôn bán. Hậu quả của sự thiếu quản lý đã đẩy ngôi chợ vào thế bí…

20 năm sau ngày xây dựng, chợ Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã xuống cấp trầm trọng, không còn là ngôi chợ đúng nghĩa. Cùng với thời gian, ngôi chợ này đã quá tải, không đủ sức để “gánh gồng”, buộc các tiểu thương phải chiếm dụng các lòng đường xung quanh làm nơi buôn bán. Hậu quả của sự thiếu quản lý đã đẩy ngôi chợ vào thế bí…

.  Nhếch nhác một ngôi chợ

Mới 8 giờ sáng mà chợ Đại Lãnh đã đông nghịt người, không có chỗ chen chân. Các con đường trước và xung quanh chợ đều bị chiếm dụng làm nơi mua bán. Người mua, người bán nườm nượp, che mất cả lối đi. Tìm chỗ gửi xe để vào chợ nhưng chỗ giữ xe cũng rất nhỏ. Đoạn đường trước chợ khoảng 50m được trưng dụng hẳn làm nơi buôn bán. Rác thải thì được đổ vô tư, không ai dọn dẹp. Tìm mãi chẳng thấy Ban Quản lý chợ để hỏi, cuối cùng có người giới thiệu với chúng tôi người thầu chợ. Bà Trương Thị Xanh, chủ thầu quản lý ngôi chợ bức xúc cho biết, chợ Đại Lãnh có đã khá lâu, trước đây là những lều quán dựng tạm. Sau khi chính quyền xã đầu tư xây dựng chợ đã cho phép một tư nhân tên H. đấu thầu. Lúc đầu, xung quanh chợ được quy hoạch bằng các dãy ki-ốt. Song qua thời gian, các chủ ki-ốt không sử dụng làm nơi buôn bán mà chuyển thành nhà riêng làm cho khuôn viên chợ đã hẹp càng hẹp hơn. Hiện, chợ Đại Lãnh có hơn 100 hộ buôn bán nhưng trong khu vực chợ, các hộ kinh doanh chỉ sử dụng làm nơi ăn uống. Do không được nâng cấp, nền chợ bị ngập khi trời mưa nên các hộ tự tiện đắp nền, mạnh ai nấy làm, nên ẩm thấp và mất vệ sinh. Bà Xanh còn phàn nàn, tuy chợ không được nâng cấp, chẳng ai quan tâm nhưng mức sàn đấu thầu không giảm, trái lại ngày một tăng, hiện tại đến 200 triệu đồng/năm.
Đi vào bên trong chợ, cảnh nhếch nhác càng lộ rõ. Chị Lan, một hộ kinh doanh ở đây cho biết, một ngày tùy theo hàng quán, mức nộp cho chủ thầu từ 5.000 – 6.000 đồng song không thấy ai quan tâm sửa sang lại chợ. Trong chợ không có điện nên rất tối; rác thì mặc sức ai nấy đổ, chẳng có người hốt và cứ thế bốc mùi… Quan sát những con đường xung quanh chợ, nhiều ngôi nhà xập xệ bao vây lấy chợ không còn một kẽ hở. Tình trạng nhếch nhác của ngôi chợ đã lên tới đỉnh điểm.

.  Cần sớm khắc phục

Đem “câu chuyện buồn” của chợ Đại Lãnh trao đổi với ông Trần Huy Định, Bí thư Đảng ủy xã mới thấy tương lai của chợ khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Ông Định cho biết, chợ Đại Lãnh được xây dựng năm 1990, khi đó dân cư còn thưa thớt. 20 năm sau, dân cư đông đúc nhưng diện tích chợ lại không được mở rộng, dẫn đến quá tải. Trục Đông - Tây là trục chính của con đường đi ngang chợ, cũng là con đường dẫn đến 4 điểm trường của xã (1 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở) nên thường diễn ra tình trạng ách tắc giao thông vào buổi sáng. Tuy nhiên, chợ chỉ họp vào buổi sáng nên gần trưa, áp lực cũng giảm dần. Căng thẳng nhất là vào các ngày rằm, Tết. Trước đây, khi xây dựng chợ, xã giao cho một tư thương đấu thầu, xây dựng ki-ốt bán lại cho các hộ buôn bán. Bây giờ, các ki-ốt không còn mà đã trở thành nhà dân nên tình trạng nhà cửa mạnh ai nấy xây, đủ các kiểu. Sắp tới, xã dự kiến quy hoạch chợ tại khu vực gần Cảng cá, hiện đang thi công cầu cảng với các bờ kè chắn sóng. Theo ông Định, giải pháp trước mắt là địa phương cho lập dự toán mở đường tránh dài 350m dọc đường sắt và đi thẳng lên khu vực các trường học để giảm bớt áp lực giao thông. Các gian hàng thịt, cá, rau, củ, quả sẽ phải di chuyển xuống khu vực cảng, dành khu vực chợ hiện nay chỉ bán các loại hàng tạp hóa, vải, hàng khô…

Có thể thấy, dẫn đến tình trạng chợ như hiện nay là do yếu kém về năng lực trong quản lý chợ và sự thiếu quan tâm của chính quyền xã Đại Lãnh trong một thời gian dài. Xã Đại Lãnh có yếu tố khách quan là đất chật, người đông, không có diện tích để bố trí chợ, nhưng việc để cho hộ buôn bán chiếm dụng lòng đường là sai, nhất là sai lầm trong đấu thầu xây dựng chợ. Các ki-ốt lẽ ra chỉ cho phép buôn bán, không được cơi nới, xây dựng nhà nhưng do không cấm cản từ trước nên nhiều nhà cứ thế mọc lên, trở thành sự việc đã rồi. Đã thế, xã lại thiếu quan tâm khắc phục tình trạng xuống cấp, hoạt động thiếu quy củ, để người mua bán phải tự xoay xở trong một môi trườngï thiếu ánh sáng, mất vệ sinh…

Trong thời gian trước mắt, khi chợ chưa thể di chuyển đi nơi khác, chính quyền xã cần thành lập Ban Quản lý chợ; nâng cấp, sửa chữa; sắp xếp lại hàng quán, lô sạp dành lối đi cho giao thông; khắc phục tình trạng thiếu điện, xả rác mất vệ sinh… để đưa hoạt động buôn bán của chợ đi vào nề nếp.

H.A