10:08, 02/08/2010

Những cảm nhận “kinh khủng” về văn chương!

Trong đợt thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch vừa qua (từ ngày 15 đến 16-7-2010), ở môn Văn học, bên cạnh những thí sinh chuyên tâm học hành, có những bài viết cô đọng, sâu sắc...

Trong đợt thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch vừa qua (từ ngày 15 đến 16-7-2010), ở môn Văn học, bên cạnh những thí sinh (TS) chuyên tâm học hành, có những bài viết cô đọng, sâu sắc, cũng còn không ít TS lơ là, “chữ thầy trả thầy”, nhiều bài văn trong sách giáo khoa chưa đọc nên đã có cảm nhận sai lạc, xuyên tạc, lạc đề, thậm chí còn rất nguy hiểm.

° Lan man, lạc đề

Với đề: “Trình bày mối quan hệ giữa tài và đức”, khá nhiều TS hiểu được vấn đề là trong cuộc sống hiện đại rất cần có sự kết hợp hai yếu tố này trong một con người, giữa chúng có mối quan hệ khăng khít với nhau. Nhưng gắn bó đến độ ví tài và đức “như da với thịt, như vợ với chồng, như rau với nước, như nút áo - sợi chỉ, như hai lực sĩ trên sàn đấu mà đức là đối thủ nặng ký của tài, tài và đức được kết hợp với nhau như hổ chắp thêm cánh” thì chỉ có những đầu óc đại tài với trí tưởng tượng cực kỳ phong phú mới có thể nghĩ ra được! Thậm chí, có TS lại tưởng “ông” Bộ Giáo dục biết mình có hai người bạn thân là Tài và Đức nên muốn hỏi về tình bạn giữa… 3 người nên đã mạnh dạn kể: “Tôi có rất nhiều bạn nhưng tôi thích chơi với Tài và Đức nhất”, rồi cả bài tập trung ca ngợi hết lời, chỉ ra những cái tốt, cái xấu của hai “người bạn”. Có bạn còn giải thích: “Người không có tài như người ở trần, người không có đức như người ở truồng. Vậy cái nào quan trọng hơn?”. Rất nhiều TS hiểu tài là tiền và không tiếc lời phê phán tài, cho rằng “có tài không đức như… chim giữa đàng” (!?) Cũng có TS hiểu tài thuộc về lĩnh vực học vấn, tri thức, nên cho rằng: “Từ xưa, người có tài luôn đỗ trạng nguyên, ngày nay, người có tài luôn ở các trường đại học và cũng có một số ít ở ngoài xã hội” và tự vỗ ngực tự hào “ta đây cũng một người tài vì đã có tấm bằng… tú tài trong tay, tài hơn những người thi rớt phổ thông trung học”! Có TS liên tưởng: “Hạnh kiểm và học lực chính là đức và tài, nó nằm ngay trong quyển sổ liên lạc giữa gia đình và xã hội”. Rồi phân tích, mổ xẻ tài và đức, và tự nghiệm: “mình có đức, sau này sẽ lấy tài bù vào, còn nhiều người bây giờ có tài chưa chắc đã… chèn thêm được đức”! Có thí sinh chất vấn: “xã hội đòi hỏi cả tài và đức chẳng phải là tham lam quá hay sao? một người chỉ cần một trong hai thứ là quá đủ”, bởi “tài và đức là hai anh em khắc tuổi nên khó sống chung dưới một mái nhà”… Có TS lại giải thích: “Tài không phải là tài xế lái xe mà tài là… có tài”. Có TS mở đầu bài văn của mình với tâm trạng cực kỳ… hưng phấn với những từ ngữ như: ôi, à, ư, nhé, nhỉ…

Trên đây là một số ít cách hiểu của TS, tuy hơi khập khiễng nhưng cũng được coi là “văn mình”. Còn có những TS trích dẫn những câu văn “trời ơi” rồi “đặt vào miệng” các danh nhân nổi tiếng như Khổng Tử, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du… khiến Ban giám khảo không khỏi… bàng hoàng. Có nhiều câu nói đã được TS làm… biến dạng, chẳng hạn như: “Có đức mà không có tài là vô hậu, có tài mà không có đức là thực dụng”; “Có tài mà không có đức thì… vứt, nhưng có đức mà không có tài thì… còn dùng được”…

° So sánh siêu tưởng!

Ở câu hỏi: “Phân tích đoạn thơ trong phần trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm để làm rõ những nét mới lạ, sâu sắc trong cách cảm nhận của nhà thơ về đất nước” cũng có không ít đoạn văn “cười ra nước mắt”. Với câu thơ: “Đất là nơi anh đến trường/Nước là nơi em tắm/Đất nước là nơi ta hò hẹn/Đất nước là nơi ta đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”, nhiều TS đã tưởng tượng ra cảnh một cô gái đi tắm và một chàng trai đi… rình và nảy sinh tình cảm(!?) Đã có thêm nhiều “định nghĩa” mới về đất và nước được công bố, chẳng hạn: “Nước là một loại dung môi hòa tan rất tốt, nước không chỉ để tắm rửa, sinh hoạt, giặt giũ mà còn gột rửa những xấu xa dơ bẩn trong bản thân con người”; “Đất nước là hai khoảng không gian khác nhau, một bên trên cạn, một bên dưới nước. Nơi anh đến trường là đất, nơi em tắm là nước. Có đất anh mới có đường đến trường, còn có nước em mới tắm được”; “đất là một nguyên tố hóa học gồm có K, Na, Mg, còn nước cũng là một nguyên tố hóa học gồm ôxi kết hợp với hiđrô”; thậm chí “nước không chỉ là nơi em tắm mà còn là nơi tắm của các cuộc khởi nghĩa”, do đó nó quan trọng…

Ở câu thơ: “Đất là nơi Chim về/Nước là nơi Rồng ở/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, rất nhiều TS tập trung ca ngợi nơi ở của loài chim và loài rồng, cho rằng đất là mái nhà của chim, là nơi chim trú ngụ tránh gió tránh mưa(!) “Đất mà lành là những con chim luôn hướng về, đất mà không lành thì các loài chim cũng bỏ đi”, do đó đất nước là nơi… “chim lành đất đậu”, là nơi “chỉ dành cho rồng ở để sinh ra Lạc Long Quân và Âu Cơ”,ø tác giả đã viết bài thơ để… “bộc lộ cảm xúc của mình đối với các loài chim”(!?) Ở câu thơ “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ” có TS suy diễn: “Đất nước là nơi gắn liền với con trâu, con bò, cái cày và những người nông dân đi nương. Đất nước là nơi dân cày đoàn tụ”.

Với sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, một số TS lại tưởng tượng: “Lạc Long Quân và Âu Cơ vì lòng hận thù giặc ngoại xâm mà đã đẻ ra 100 con để đánh giặc. Các con của họ lớn nhanh như đuổi, ăn càng ngày càng mạnh và đã đuổi được giặc”, thậm chí khẳng định: Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển để… “bảo vệ loài thủy hải sản”.

Ở câu hỏi: “Nhận xét về cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu”, rất nhiều TS nghĩ rằng “khi tác giả không xưng anh mà xưng tôi trong tác phẩm có nghĩa là đã giận dữ lắm”! Nhiều TS không ngần ngại quy kết cách xưng hô của Xuân Diệu là thể hiện sự ngông cuồng, ngạo nghễ, ngỗ ngược, tự cao tự đại, vì Xuân Diệu dám làm cái điều không thể là muốn “tắt nắng đi”, “buộc gió lại”, dám “thách thức với thiên nhiên để thỏa mãn dục vọng của mình”(!?) Thậm chí cho rằng Xuân Diệu là một người “tham sống sợ chết” nên mới vội vàng chạy đua với thời gian. Có TS còn tưởng tượng Xuân Diệu nhìn thấy “sự vội vàng của một người con gái ra đi không một lời từ biệt với chàng trai” nên viết hộ chàng trai để nghiệm ra rằng trong cuộc sống cần phải biết hưởng thụ, không về già sẽ hối tiếc(!) Mặc dù đề đã ghi tên tác giả rất rõ ràng nhưng có những TS vẫn lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi cho rằng tác phẩm Vội vàng là của nhà thơ Xuân Quỳnh (!) Lại có hàng loạt TS nhất mực gọi nhà thơ Xuân Diệu bằng… bà(!)

Trên đây mới chỉ là một số trong những câu văn của các TS thi cao đẳng vừa qua. Tuy là một số, nhưng nó cũng phần nào phản ánh thực trạng cảm nhận và diễn đạt văn chương của các TS.

PHẠM THỊ THU HƯƠNG