Mùa mưa bão đang cận kề. Với những diễn biến ngày càng phức tạp của mưa bão, ngư dân trong tỉnh đang đối mặt với nhiều rủi ro thường trực mà năm nào cũng vấp phải. Trong đó, lớn nhất là nỗi lo về an toàn tàu cá.
Mùa mưa bão đang cận kề. Với những diễn biến ngày càng phức tạp của mưa bão, ngư dân trong tỉnh đang đối mặt với nhiều rủi ro thường trực mà năm nào cũng vấp phải. Trong đó, lớn nhất là nỗi lo về an toàn tàu cá.
Đa số ngư dân đều mong muốn tàu của mình có một nơi neo đậu trú ẩn an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương ven biển trong tỉnh, vì nhiều lý do khác nhau mà địa điểm, cơ sở hạ tầng cho nơi neo đậu tàu cá chưa thỏa đáng, không đáp ứng đủ nhu cầu của ngư dân. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng hơn 10 ngàn tàu các loại trên 25CV, dài hơn 16m được đăng ký. Tuy nhiên, thực tế số lượng tàu đánh cá của ngư dân đang khai thác lớn hơn con số trên rất nhiều. Sở dĩ có tình trạng này là do tàu nhỏ hơn 25CV không cần đăng ký đăng kiểm và một số ngư dân trốn tránh không đăng ký tàu với chính quyền. Họ đóng mới tàu ở ven các cửa sông và lén lút hạ thủy. Tình trạng này gây khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát an toàn khi mùa mưa bão về. Hàng năm, số lượng tàu cá Khánh Hòa không ngừng tăng lên cả về số lượng lẫn loại tàu, và đây sẽ là vấn đề lớn mà các cảng cá phải cải thiện để tàu neo đậu được an toàn. Ngay như tại chân cầu Xóm Bóng, ven cửa sông Cái (TP. Nha Trang), nơi trước kia là khu neo đậu tàu cá nhưng nay đã được di dời. Mặc dù vậy, lúc nào cũng có nhiều tàu cá neo đậu trái phép tại đây, gây mất an toàn và thiếu mỹ quan cho thành phố du lịch. Qua đó cho thấy tình hình quản lý nơi neo đậu tàu cá của ngư dân trong tỉnh vẫn còn nhiều bất cập.
Ảnh: minh họa |
Trong tỉnh hiện nay có rất nhiều khu neo đậu phục vụ tàu cá tránh bão như cảng cá Hòn Rớ, cảng Vĩnh Trường (TP. Nha Trang), cảng cá Cam Ranh, khu neo tàu vịnh Vân Phong… Tuy nhiên, với thói quen neo đậu tàu cá gần địa phương mình khiến cơ quan chức năng không quản lý hết số lượng tàu cá neo đậu rải rác ở các địa phương ven biển. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho tất cả tàu của ngư dân cũng là một vấn đề nan giải. Phần lớn mọi người vẫn có suy nghĩ rằng tàu chỉ có thể gặp nguy hiểm khi ở ngoài khơi, nếu cập bờ thì sẽ an toàn. Thực tế cho thấy, rất nhiều tàu của ngư dân khi cập bờ vẫn bị sóng đánh vỡ, làm đắm… gây thiệt hại lớn, vì với ngư dân, tàu gần như là tài sản mưu sinh duy nhất của gia đình họ.
Mùa mưa bão năm nay được dự báo có thể phức tạp hơn mọi năm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần kết hợp với ngư dân để đề ra biện pháp quản lý chặt chẽ tàu thuyền, tìm và đưa tàu vào những nơi neo trú an toàn để ngư dân yên tâm.
ĐOÀN ĐẠI TRÍ