08:08, 04/08/2010

Khi “thượng đế” bị coi thường…

Chợ Đầm có rất nhiều mặt hàng bán sỉ và lẻ với quy mô lớn, nên lượng khách hàng rất đông. Đây cũng là nơi mà nhiều du khách đến mua sắm. Nếu là người dân Nha Trang, hẳn những người thường xuyên đi chợ đều biết chợ Đầm là một trong những chợ nói thách vào loại bậc nhất thành phố.

Chợ Đầm có rất nhiều mặt hàng bán sỉ và lẻ với quy mô lớn, nên lượng khách hàng rất đông. Đây cũng là nơi mà nhiều du khách đến mua sắm. Nếu là người dân Nha Trang, hẳn những người thường xuyên đi chợ đều biết chợ Đầm là một trong những chợ nói thách vào loại bậc nhất thành phố. Tình trạng nói thách cũng như cách ứng xử thiếu văn hóa, nhất là đối với du khách, tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nếu không khắc phục kịp thời sẽ gây ra hậu quả không tốt. Tòa soạn xin trích đăng ý kiến của một du khách đã từng đến chợ Đầm…

Là người công tác trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nên tôi có nhiều dịp về với Nha Trang để tham dự các đợt hội nghị, hội thảo của ngành. Sau khi hoàn thành công tác, bao giờ tôi cũng ghé thăm các điểm du lịch nổi tiếng của Nha Trang và điểm dừng chân cuối cùng là chợ Đầm để mua sắm quà tặng gia đình, bè bạn trước khi lên đường trở về.

Khỏi phải nói đến sự phong phú của các mặt hàng tại chợ Đầm. Từ những đặc sản như các loại thủy hải sản chế biến, đến các hàng thủ công mỹ nghệ. Chính điều đó đã hấp dẫn những du khách như chúng tôi. Song bên cạnh sự hấp dẫn đó thì cái cần bàn chính là “văn hóa chợ Đầm”.

Điểm tích cực đầu tiên ấn tượng với du khách chúng tôi là lực lượng bảo vệ ngoài cổng của chợ Đầm làm việc rất trách nhiệm. Họ đã ngăn chặn được sự lộn xộn của những chiếc ô tô chở khách vào chợ mua sắm, tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Nhưng thái độ của các tiểu thương ở trong khu chợ thì còn rất nhiều điều phải chấn chỉnh. Lộn xộn nhất có lẽ là những quầy hàng bán đồ khô được chế biến từ nguồn lợi thủy sản của thành phố biển. Từ con tôm, con tép đến mực, hải sâm hay bào ngư… tất cả đều được bày bán tại các sạp hàng. Cùng với sự phong phú đó thì giá cả cũng nhiều kiểu. 1kg bào ngư, tiểu thương có thể “hét giá” tới 3 triệu đồng song du khách trả giá từ 1 triệu đồng trở lên thì tiểu thương đều “OK”, còn nếu khách hàng trả dưới ngưỡng đó thì ngay lập tức sẽ nhận được thái độ miệt thị và những lời lẽ lăng mạ từ miệng của những tiểu thương xinh đẹp. Ngay trong đoàn chúng tôi, một chị vì trót trả giá thấp đã bị mắng té tát nhưng khi chị bỏ đi thì lại bị gọi giật lại vì chủ hàng đồng ý bán. Lúc này, chị không muốn mua nữa và chủ hàng càng làm dữ hơn. Cuối cùng, chị đành phải miễn cưỡng móc hầu bao để đổi lấy sự bình yên dù trong lòng rất ấm ức!

Tương tự như ở quầy hàng hải sản khô, tại khu bán những mặt hàng lưu niệm cũng đã xảy ra nhiều cuộc cãi vã giữa khách hàng và chủ quầy. Những khách hàng mới chân ướt, chân ráo vào chợ và những du khách nam đi mua sắm ngại trả treo hoặc mặc cả với cái giá thấp hơn giá người bán đưa ra một chút đỉnh thì người bán tỏ thái độ vui vẻ, ngược lại thì…

Thiết nghĩ, để tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách về thành phố biển xinh đẹp và để có được nguồn thu nhập chính đáng, bền vững cho các tiểu thương, các cơ quan ban ngành của thành phố cần vào cuộc để chấn chỉnh “văn hóa chợ Đầm” bằng cách yêu cầu các tiểu thương niêm yết công khai giá bán, Quản lý thị trường kiểm soát thường xuyên, xử lý mạnh tay với các tiểu thương có thái độ khiếm nhã với khách hàng hoặc có hành động “chặt chém” về giá cả. Hy vọng, lần trở lại Nha Trang sắp tới, những du khách như chúng tôi sẽ có được phút yên bình và cảm giác an toàn khi mua sắm ở chợ Đầm.

PHONG SƯƠNG
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà - Kon Tum)