02:08, 17/08/2010

Du lịch Khánh Hòa còn ít sản phẩm độc đáo

Trước hết, tôi đồng ý với đánh giá trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: “Dịch vụ - du lịch phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh”. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo chính trị cần đề cập sâu hơn, đánh giá sát thực hơn về ngành Du lịch.

Trước hết, tôi đồng ý với đánh giá trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: “Dịch vụ - du lịch phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh”. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo chính trị cần đề cập sâu hơn, đánh giá sát thực hơn về ngành Du lịch.

1. Thực tế cho thấy, Nha Trang - Khánh Hòa lâu nay mới chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước chủ yếu bởi yếu tố tự nhiên, xã hội sẵn có: biển xanh ấm áp quanh năm, bờ biển đẹp, người dân hiền hậu, dễ dàng tiếp cận bằng các loại hình vận tải. Ngành Du lịch chưa chủ động tạo được loại hình sản phẩm du lịch độc đáo, nổi trội so với các trung tâm du lịch biển khác trong nước để góp phần tạo thương hiệu thu hút khách, nâng cao khả năng cạnh tranh so với các trung tâm du lịch khác.

2. Những năm gần đây, phòng lưu trú tăng khá nhanh, đáp ứng xu thế lượng du khách tăng; thế nhưng, các hoạt động dịch vụ du lịch kèm theo như: tham quan, giải trí, mua sắm… vẫn đơn điệu như trước đây, thậm chí một số hoạt động như: xem biểu diễn nghệ thuật, phim ảnh, viện bảo tàng, thăm và giao lưu các cơ sở xã hội… trước đây từng có, nay lại bị mai một. Vì vậy, khó tăng ngày khách lưu trú, tỷ lệ khách quay trở lại chưa cao.

3. Đã đến lúc cần nghiên cứu tạo các loại hình sản phẩm du lịch đáp ứng cho du khách có nhu cầu và khả năng chi trả cao như: du thuyền cao cấp, thể thao câu - săn cá biển, casino, chữa bệnh bằng tắm biển, bùn khoáng kết hợp đông y, trị liệu vật lý dài ngày… dựa trên cơ sở nguồn lực của các cơ sở kinh doanh du lịch, nhưng có sự tạo điều kiện đỡ đầu của chính quyền địa phương và Trung ương.

4. Việc thông tin hỗ trợ du khách (đặt phòng, tham quan, đặt vé phương tiện…) chưa tốt. Có thể bố trí thêm các bảng và nhân viên chỉ dẫn cho du khách về các yêu cầu trên ở sân bay, nhà ga, bến xe… Hiện tượng khách vãng lai bị “chặt, chém” vẫn xảy ra trong những dịp cao điểm (kể cả ở một số khách sạn của Nhà nước), nhưng các biện pháp ngăn ngừa mới chỉ dừng ở quy định trên giấy, không tổ chức kiểm tra, phạt vi phạm một cách nghiêm túc nên không có hiệu lực thực tế.

Cần nhận thức đầy đủ về tác động tâm lý đối với du khách. Điều này hết sức quan trọng, bởi đi du lịch là để thoải mái, không ai trở lại du lịch ở nơi đã gây cảm giác khó chịu. Một khách hàng hài lòng, trung bình chỉ tuyên truyền được với 4 khách hàng tiềm năng khác. Ngược lại, nếu không hài lòng, sẽ tác động tới 10 người khác. Do đó, cũng cần nghiên cứu lập đội phản ứng nhanh qua đường dây nóng khi du khách cần hỗ trợ.

Chính quyền địa phương cần lưu tâm quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh hơn hệ thống bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nhà tắm nước ngọt công cộng, thu gom rác; nghiên cứu giải quyết triệt để vấn nạn xin ăn, hàng rong chèo kéo du khách, đặc biệt là điểm tham quan ở chùa Long Sơn.

VÕ VĂN TẠO