04:08, 19/08/2010

Để sự nghiệp giáo dục của tỉnh phát triển bền vững

Năm học 2009 - 2010 đã kết thúc trong sự phấn khởi của ngành Giáo dục và nhân dân trong tỉnh Khánh Hòa với những thành tích nổi bật: Tỷ lệ đậu tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,71%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành trong toàn quốc; tỷ lệ đậu tốt nghiệp loại khá, giỏi cũng khá cao;...

Năm học 2009 - 2010 đã kết thúc trong sự phấn khởi của ngành Giáo dục và nhân dân trong tỉnh Khánh Hòa với những thành tích nổi bật: Tỷ lệ đậu tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đạt 97,71%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành trong toàn quốc; tỷ lệ đậu tốt nghiệp loại khá, giỏi cũng khá cao; có 3 trường trong 200 trường THPT trên toàn quốc được xếp vào loại có điểm trung bình 3 môn thi cao trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng (gồm Lê Quý Đôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi). Đó là kết quả của sự nỗ lực chung của các nhà trường, học sinh, dưới sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của UBND tỉnh và Sở Giáo dục - Đào tạo.

Nhận thấy chất lượng giáo dục giảm sút trong mấy năm liền, ngay từ đầu năm học 2009 - 2010, UBND tỉnh đã có cuộc họp với các cán bộ quản lý giáo dục để tìm nguyên nhân và đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Cuộc họp đã thể hiện quyết tâm của hiệu trưởng các trường THPT sau khi đồng chí Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổng kết và giao nhiệm vụ. Cũng từ đó, trong suốt năm học 2009 - 2010, tùy từng hoàn cảnh cụ thể, mỗi trường đã phát huy tinh thần sáng tạo, quyết tâm vượt khó, đổi mới phương pháp giảng dạy nên đạt được nhiều thành tích như đã nêu trên cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, để duy trì và nâng cao hơn nữa thành tích trong giáo dục, các trường THPT và ngành Giáo dục cần nỗ lực nhiều hơn để vượt qua những khó khăn, thách thức. Trước hết, năm học 2010 - 2011, toàn ngành phải phấn đấu để kết quả tốt nghiệp THPT tiếp tục đứng vào hàng thứ 10 toàn quốc trở lên. Có như vậy mới tiếp tục khẳng định thành tích mà chúng ta đạt được trong năm học qua.

Từ những thứ bậc thấp trong mấy năm qua (năm 2008 xếp thứ 29, năm 2009 xếp thứ 35 toàn quốc), rồi nhảy vọt lên thứ 11; từ sự tăng tiến về tỷ lệ tốt nghiệp so với năm học trước là 16,11% (cả nước là 9,37%), cho thấy sự cố gắng vượt bậc của toàn ngành GD tỉnh, nhưng nó vẫn ẩn chứa điều gì đó chưa bền vững. Điều đó thể hiện ở thứ bậc tốt nghiệp THPT của các trường trong tỉnh. Chúng ta không có định kiến về chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, các trường miền núi, nơi điều kiện dạy - học rất khó khăn, chất lượng đầu vào thấp nên kết quả tốt nghiệp thường thấp hơn so với các trường ở thành phố, thị trấn. Năm học qua thì ngược lại, có trường ở miền núi lại có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao hơn trường ở đồng bằng. Nếu thực chất đúng như thế thì đó là điều đáng mừng.

Thử thách thứ hai và cũng là nỗi âu lo của ngành Giáo dục, đó là diễn tiến trái ngược giữa tỷ lệ tốt nghiệp THPT và kết quả thi tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Trong khi tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm nay tăng so với năm ngoái, từ 81,6% lên 97,71% (tăng 16,11%), từ xếp thứ 35 lên thứ 11 trong toàn quốc, thì tỷ lệ trúng tuyển vào đại học và cao đẳng lại tụt từ vị trí thứ 21 xuống thứ 32 với điểm số trung bình 3 môn thi 10,58 (tỷ lệ trung bình của cả nước là 11,13). Điều đó có nghĩa, trong khi xếp hạng tốt nghiệp THPT của tỉnh tăng 24 bậc thì tỷ lệ đậu vào các trường đại học và cao đẳng tụt 11 bậc. Tỷ lệ này thua một số tỉnh cận kề như Phú Yên, Lâm Đồng. Nhiều người cho rằng, trong 2 kỳ thi thì kỳ thi vào các trường đại học và cao đẳng phản ánh khách quan hơn chất lượng đào tạo của các tỉnh, thành. Không phải ngẫu nhiên mà năm nay các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hải Dương vẫn thay nhau giữ nhất, nhì, ba về các tỷ lệ này trong toàn quốc.

Trong lịch sử phát triển giáo dục Khánh Hòa từ năm 1975 đến nay, đã có những thời kỳ chất lượng giáo dục của chúng ta đứng trong tốp 10 toàn quốc cả về tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi toàn quốc và thi vào đại học. Điều đó chứng tỏ không phải chúng ta không có tiềm năng.

Với những thành tích đáng phấn khởi trong năm học vừa qua, những thuận lợi trong năm học này và những tiềm năng sẵn có, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách để sự nghiệp giáo dục Khánh Hòa có sự phát triển bền vững. Mong rằng tỉnh có những đánh giá đúng chất lượng về giáo dục, từ đó có những chỉ đạo, giải pháp tích cực, mạnh mẽ để ngành Giáo dục Khánh Hòa phát triển vững chắc, thực hiện đúng như lời dặn của Bác Hồ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”

KHÁNH DUY