12:08, 17/08/2010

“Đau đầu” chọn mua sách tham khảo cho con

Năm học mới sắp bắt đầu, bên cạnh việc mua sách giáo khoa cho con em mình, các bậc phụ huynh cũng không quên mua thêm sách tham khảo nhằm giúp con nâng cao kiến thức.

Năm học mới sắp bắt đầu, bên cạnh việc mua sách giáo khoa (SGK) cho con em mình, các bậc phụ huynh cũng không quên mua thêm sách tham khảo (STK) nhằm giúp con nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, điều này cũng không hề đơn giản nếu các bậc phụ huynh không am hiểu về STK. Ở các nhà sách, một “rừng” STK được trưng bày trên các kệ sách, như: bài tập bổ trợ và nâng cao, hướng dẫn học tốt, để học tốt, giải bài tập… Mỗi môn học lại có nhiều loại STK và cuốn nào cũng ghi “theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Điều này dễ làm cho các bậc phụ huynh bối rối, mất phương hướng khi muốn chọn mua cho con mình những cuốn sách hay.

Tôi gặp chị Thu Hồng ở Nhà sách Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) khi chị đang chọn mua cho con STK của 3 môn Tiếng Việt, Toán và Tiếng Anh. Chị cho biết: Con chị mới học lớp 5 nhưng có rất nhiều STK nên chị không biết quyển nào hay và cần thiết để mua cho con. Chị cũng không thể mua hết các loại STK vì sợ con học không nổi, chương trình học bây giờ chỉ bám sát vào SGK và nâng cao một chút là được. Không riêng gì chị Thu Hồng, nhiều phụ huynh cũng rất phân vân khi mua STK cho con. Bởi trên địa bàn TP. Nha Trang có nhiều nhà sách lớn có uy tín, và ở nhà sách nào cũng có vô vàn các loại STK theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Thực ra, STK rất cần thiết cho học sinh. Nhưng thị trường STK hiện nay đúng là quá nhiều. Điều quan trọng hơn là số lượng đầu sách nhiều mà chất lượng thì chẳng ai dám đảm bảo. Tuy có nhiều cuốn ghi là STK nhưng thực chất lại là làm bài sẵn cho học sinh. Cụ thể, rất nhiều cuốn sách chỉ bám vào việc giải bài tập trong SGK, mục đích là giúp học sinh làm trước những bài tập mà chắc chắn thầy cô giáo sẽ giao khi đi học. Tình trạng này sẽ làm cho học sinh lười biếng, ỷ lại vì tất cả các bài tập đã có sẵn lời giải. Nếu thầy cô giao bài tập thì cứ việc lấy sách ra chép, chẳng cần “động não” cũng có đáp án đúng. Điều này rất nguy hiểm, bởi hầu hết học sinh sử dụng loại sách này sẽ có tâm lý dựa dẫm nên chủ quan, không học bài.

Nhiều phụ huynh còn than vãn rằng năm nào tiền mua STK cho con cũng gấp nhiều lần tiền mua SGK; mua rồi mới biết mình bị hớ vì quyển nào cũng na ná nhau. Thậm chí có nhiều quyển học sinh không muốn đọc vì nội dung giống như các quyển khác và chỉ chú trọng vào giải các bài tập theo SGK hiện hành. Tuy biết vậy nhưng khi đi mua sách, phụ huynh vẫn có tâm lý… tiếc vì thấy tên sách hay, có vẻ cần thiết cho con em mình nên lại mua.

Tình trạng trên cho thấy, thị trường STK cũng như công tác quản lý STK cho học sinh phổ thông còn nhiều bất cập. Hầu như Bộ Giáo dục - Đào tạo không quản lý mà thả lỏng cho các nhà xuất bản và nhà sách liên kết để ấn hành. Từ đó kéo theo nhiều hậu quả xấu như tệ nạn vi phạm bản quyền, sách lậu… Trong khi đó, nhà trường hầu như chỉ quản lý SGK, còn STK thì tùy thuộc vào điều kiện và sức học từng học sinh. Do đó, bao năm qua, vấn đề STK mãi là bài toán thả nổi không có đáp án.

Vì thế, để chọn những cuốn sách bổ ích, thực sự giúp các em trong quá trình học tập, các bậc phụ huynh cần nắm thông tin chương trình học của con em mình thật kỹ. Trước khi mua STK, có thể tham khảo các thông tin trên mạng Internet hoặc ý kiến của các bậc phụ huynh có con học trước để chọn những cuốn sách phù hợp. STK không nhất thiết phải bám vào lời giải trong SGK mà cần bổ sung lượng kiến thức bổ trợ nhất định, có những hướng dẫn để học sinh phát huy tính sáng tạo, kích thích sự ham hiểu biết để giúp các em nắm chắc hơn kiến thức cơ bản trong SGK. Điều quan trọng khi chọn sách là không nên chạy theo thị hiếu đám đông. Mặt khác, cũng cần căn cứ học lực của con em mình để chọn STK cho phù hợp.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ