10:08, 24/08/2010

Cần nhận thức đúng về dịch heo tai xanh

Bệnh heo tai xanh đang là vấn đề thời sự, nhất là đối với… các bà nội trợ. Hàng ngày, thịt heo là một loại thực phẩm dễ sử dụng, giá cả phù hợp với túi tiền nên có mặt hầu hết trong bữa cơm của các gia đình.

Bệnh heo tai xanh đang là vấn đề thời sự, nhất là đối với… các bà nội trợ. Hàng ngày, thịt heo là một loại thực phẩm dễ sử dụng, giá cả phù hợp với túi tiền nên có mặt hầu hết trong bữa cơm của các gia đình. Thế nhưng, từ khi có dịch heo tai xanh (DHTX), ai cũng sợ thịt heo nên tìm các loại thực phẩm khác để thay thế. Thực tế, từ khi có dịch, đã có rất nhiều đồn thổi xung quanh thịt heo bị dịch, tạo nên tâm lý e ngại. Nhưng mặt khác, có người chẳng quan tâm đến các nguy cơ tiềm ẩn nên cứ “chén” tì tì các món ăn được chế biến từ thịt heo…

Kể từ ngày tỉnh công bố DHTX, gia đình tôi bắt đầu “né” món thịt heo. Ban đầu, nỗi sợ là do chưa hiểu biết kỹ về bệnh dịch này, mọi thông tin lúc ấy chỉ là đồn thổi, rỉ tai nhau về các bệnh nếu ăn phải thịt heo như nhiễm liên cầu khuẩn…, vì thế gia đình tôi không dám mua thịt heo bày bán ngoài chợ. Sau đó, qua thông tin đại chúng, tôi biết rằng những chuyện đồn thổi ấy là vô căn cứ, nếu thịt heo được kiểm dịch đàng hoàng, đun nấu kỹ trước khi sử dụng thì có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, khá nhiều người khác lại không nghĩ vậy. Nhìn thấy cơ quan chức năng thiết lập các trạm kiểm dịch tại các chốt đường quan trọng dẫn vào thành phố, nhiều người cho rằng, bệnh dịch vẫn rất nguy hiểm nên tiếp tục có thái độ “cự tuyệt” với thịt heo. Rõ ràng, những lời đồn thổi và thái độ “cự tuyệt” với thịt heo đã gây ra những hậu quả khá lớn. Trước hết, đó là người tiêu dùng phải chịu thiệt bởi do không sử dụng thịt heo nên các loại thực phẩm thay thế khác như cá, thịt bò, gà đều tăng giá đến chóng mặt, điều đó khiến ngân sách gia đình bị hao hụt đáng kể. Ngay cả khi thịt heo được bày bán ngoài chợ có đóng dấu kiểm dịch đàng hoàng nhưng người tiêu dùng vẫn sợ. Lý do là “lỡ nó bị nhiễm bệnh thì có hối cũng chẳng kịp, tốt nhất là cứ ăn thứ khác cho chắc, khi nào hết dịch thì ăn lại”. Người thiệt hại kế đến chính là nông dân. Bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ vào đầu tư cho con heo, thế nhưng khi xuất chuồng lại không tiêu thụ được, rõ ràng sẽ bị lỗ nặng. Cho dù đàn heo không bị dịch, khi xuất chuồng được cơ quan chức năng đóng dấu kiểm dịch đúng quy trình, nhưng trước thái độ quay lưng của người tiêu dùng thì chỉ còn biết bán rẻ cho tư thương.

Trái ngược với tâm lý lo lắng của đại bộ phận người dân, vẫn còn những người rất bàng quan với DHTX. Họ vẫn vô tư sử dụng những loại sản phẩm chế biến từ thịt heo. Nhiều người vẫn rất khoái món tiết canh, lòng lợn nên ăn vô tư, không hề quan tâm đến lời cảnh báo của các chuyên gia y tế. Nếu có ai hỏi tại sao dám ăn những món “tươi sống” ấy, họ lại cười bảo: “Cứ ăn vào bụng rồi thì cái gì cũng chín”. Chính nhận thức rất kém ấy là nguy cơ khiến các bệnh có liên quan phát tán.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng, vi-rút gây bệnh heo tai xanh không lây lan và gây bệnh ở người nên sẽ không có những nguy cơ về sức khỏe khi ăn thịt heo đã được nấu chín. Tuy nhiên, thịt heo bị bệnh tai xanh rất có thể mang theo những loại vi khuẩn khác nên tốt nhất không nên tiếp xúc với thịt heo sống không rõ nguồn gốc hay ăn thịt heo sống (chủ yếu là món tiết canh) vì dễ bị lây bệnh. Còn đối với thịt heo khỏe, có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch thì vẫn có thể ăn bình thường khi đã đun nấu kỹ.

Như vậy, có nhận thức đúng đắn về bệnh dịch này sẽ giúp người dân có cách xử lý phù hợp. Người dân không nên quá hoang mang, không đồn thổi vấn đề lên quá mức, tạo dư luận, tin đồn không đúng trong xã hội khiến mọi người “tẩy chay” hoàn toàn món thịt heo. Điều đó ngoài việc khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi, còn khiến cho nền kinh tế nói chung cũng bị ảnh hưởng theo. Mặt khác, người dân cũng không được chủ quan thái quá, không nên xem thường những mầm mống bệnh tật có từ thịt heo bị nhiễm bệnh để rồi sử dụng tràn lan, bừa bãi và không theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.

Về phía các cơ quan chức năng, rút kinh nghiệm của những lần phòng, chống dịch trước đây, không nên đồng hóa quan điểm chống dịch là cấm giết mổ và ăn thịt heo, mà bản chất của vấn đề là không được giết mổ và ăn heo bệnh cùng với những khuyến cáo phù hợp. Có như vậy, người dân mới nhận biết rõ bản chất của vấn đề và tránh được tâm lý hoang mang, để có thái độ đúng đắn trong việc sử dụng thịt heo trong mùa dịch.

CAO TRÍ