04:08, 11/08/2010

Cần có sự quản lý chặt chẽ hình ảnh được in trên vở học sinh

Hiện nay, nếu một nhà sản xuất muốn in quảng cáo hay poster trên bất kỳ một tờ báo, một xuất bản phẩm nào đều phải qua sự kiểm duyệt chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên trên thị trường, việc in quảng cáo trên bìa vở học sinh dường như chưa bị điều chỉnh bởi quy định nào. Người ta có thể giải thích rằng vở học sinh không phải là một xuất bản phẩm hay phương tiện thông tin truyền thông nên hình ảnh trên đó chẳng quan trọng gì. Thế nhưng thực tế, ảnh hưởng của nó không phải nhỏ…

Hiện nay, nếu một nhà sản xuất muốn in quảng cáo hay poster trên bất kỳ một tờ báo, một xuất bản phẩm nào đều phải qua sự kiểm duyệt chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên trên thị trường, việc in quảng cáo trên bìa vở học sinh dường như chưa bị điều chỉnh bởi quy định nào. Người ta có thể giải thích rằng vở học sinh không phải là một xuất bản phẩm hay phương tiện thông tin truyền thông nên hình ảnh trên đó chẳng quan trọng gì. Thế nhưng thực tế, ảnh hưởng của nó không phải nhỏ…

. Từ game online…

Hiện nay, tác hại của những trò chơi giải trí trực tuyến (game online) đã và đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Vấn đề này được các ngành chức năng cân nhắc rất kỹ lưỡng giữa mặt tích cực lẫn tiêu cực và đã đi đến kết luận rằng Nhà nước không cấm game online nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ. Trước mắt, cần hạn chế ảnh hưởng của game online đối với xã hội, nhất là lớp trẻ. Game online có tính gây nghiện cao là rất rõ ràng, bên cạnh những tác hại khác như bạo lực… Tuy nhiên, trong lúc các ngành, các cấp đang ráo riết tìm cách hạn chế sự phát triển tràn lan của loại hình này thì không hiểu bằng cách nào, những hình ảnh quảng bá cho game online lại được in ngay trên vở, dụng cụ dành cho học sinh.

Việc quảng bá các trò chơi trên bìa vở, đồ dùng, dụng cụ học tập không thể coi là chuyện nhỏ bởi số lượng vở, đồ dùng, dụng cụ học tập cho học sinh trong 1 năm học là một con số khổng lồ. Những hình ảnh đó ngày đêm đập vào mắt của các em, chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nhu cầu, thị hiếu của các em. Cho nên, việc in các loại hình này trên bìa vở và đồ dùng học tập là rất nguy hiểm đối với các em. Nó chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”, “tiếp tay” cho học sinh chơi và ham mê những game bạo lực tràn lan như hiện nay.

. Đến các hình ảnh phản cảm…

Dạo một vòng quanh các siêu thị sách ở TP. Nha Trang hay các quầy nhỏ bán đồ dùng học tập ở gần trường học, chúng ta dễ dàng thấy những quyển vở, đồ dùng học tập với chi chít hình ảnh những gương mặc dữ tợn, áo giáp, kiếm, hay những cô gái ăn mặc hở hang… Tất cả hình ảnh ấy đều được lấy mẫu từ các nhân vật trong thế giới game online hay từ những cuốn truyện tranh trên thị trường được các em nhỏ rất thích thú. Dường như các nhà sản xuất muốn in gì cũng được, miễn sao đáp ứng được thị hiếu của trẻ chứ không cần tính đến tác hại lâu dài của nó. Những hình ảnh trên bìa vở ấy, tuy đơn giản nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy cũng như suy nghĩ non nớt của trẻ. Không hiểu các bạn nhỏ sẽ học được gì khi ngày nào cũng cầm những quyển vở, đồ dùng có những hình ảnh bạo lực… như vậy? Nếu ai để ý thì sẽ thấy nhưng loại bìa vở có in hình tranh phong cảnh, làng quê, những tinh hoa kiến trúc đặc sắc của đất nước trên bìa vở học sinh bây giờ cũng rất ít. Có lẽ những hình ảnh ấy không được ưa chuộng lắm!

Điều đáng lo ngại hiện nay là chưa có quy chế hay chế tài thích hợp trong việc quản lý và ngăn cấm tình trạng quảng cáo thiếu tính giáo dục như vậy trên bìa vở học sinh. Điều này làm tình trạng trên càng trở nên tràn lan. Thiết nghĩ, tình trạng trên cần được ngăn chặn và quản lý chặt chẽ hơn. Nếu có quy định cụ thể hơn về vấn đề này, người ta có thể in hình những danh nhân, hình ảnh về quê hương đất nước, văn minh nhân loại, về những gương sáng trong học tập… nhằm kích thích trẻ say mê học tập, biết được những giá trị lịch sử của dân tộc, hướng các em đến với các giá trị chân - thiện - mỹ… Để làm được điều này, không riêng ngành Giáo dục, mà cần sự chung tay của cả xã hội, đặc biệt là các nhà sản xuất. Đừng coi thường những chuyện tưởng chừng rất nhỏ ấy. Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, người tiêu dùng cần có định hướng riêng, không nên mua những cuốn vở có hình ảnh không tốt cho con em mình.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ