07:08, 08/08/2010

Cần bảo vệ nguồn nước sạch của TP. Nha Trang

Trong đợt nắng nóng vừa qua, người dân rất khổ sở vì tình trạng thiếu điện, nhưng thiếu điện còn có thể xoay xở được, chứ thiếu nước sinh hoạt thì mới thực sự điêu đứng. Về cơ bản, hiện nay lượng nước máy cung cấp cho TP. Nha Trang tạm ổn, nhưng cùng với sự phát triển đô thị, mức độ tăng dân số, nhu cầu nước sạch sẽ tăng cao trong thời gian tới. Vì thế, vấn đề là làm sao phải đảm bảo nguồn cung và quan trọng hơn là đảm bảo chất lượng nước…

Trong đợt nắng nóng vừa qua, người dân rất khổ sở vì tình trạng thiếu điện, nhưng thiếu điện còn có thể xoay xở được, chứ thiếu nước sinh hoạt thì mới thực sự điêu đứng. Về cơ bản, hiện nay lượng nước máy cung cấp cho TP. Nha Trang tạm ổn, nhưng cùng với sự phát triển đô thị, mức độ tăng dân số, nhu cầu nước sạch sẽ tăng cao trong thời gian tới. Vì thế, vấn đề là làm sao phải đảm bảo nguồn cung và quan trọng hơn là đảm bảo chất lượng nước…

Nhà chú tôi ở khu Đất Lành (xã Vĩnh Thái, Nha Trang). Bao năm nay, chú tôi cũng như người dân nơi đây phải chịu cảnh thiếu nước sạch mặc dù sống ngay vùng hạ lưu sông Tắc, sông Quán Trường. Tuy chỉ cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 5km, nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn là chuyện “muôn thuở” dù người dân đã rất nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Để phục vụ nhu cầu cuộc sống, người dân nơi đây đành phải làm hệ thống ống dẫn nước từ khe núi chảy ra để làm nguồn nước sinh hoạt. Khi nào trời nắng hạn, nguồn nước suối cạn kiệt, người dân phải xách thùng, xô vào thành phố mua nước sạch với giá 10 nghìn đồng/m3.

Đây không phải là khu vực cá biệt bởi còn khá nhiều nơi trong thành phố, nhất là những điểm dân cư mới thành lập ở các phường nằm cuối đường ống cấp nước của thành phố, cũng phải gánh chịu tình trạng tương tự. Muốn có nước, người dân các khu vực này phải xin bắc chung với các hộ đã có nước, chứ xin lắp đặt ống dẫn nước mới sẽ rất lâu và phức tạp; còn nếu không thì đành phải khoan giếng hoặc mua nước sạch từ nơi khác về dùng.

Những năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm môi trường đã nổi lên như một nguy cơ lớn đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại. Sự ô nhiễm đã và đang tác động đến nguồn nước mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Việc người dân các tỉnh thành thuộc khu vực Đông Nam bộ kiện Nhà máy Vedan về vụ nước thải sông Thị Vải chính là minh chứng rõ nét nhất về việc gây ô nhiễm nguồn nước. Ở Khánh Hòa, vấn đề lại khác. Còn nhớ cách đây vài năm, khi hiện tượng xâm mặn lên đến đỉnh điểm, lượng nước trên sông Cái cạn kiệt đến độ khi thủy triều lên, nước biển tràn vào đến tận trạm bơm nước Võ Cạnh khiến nguồn nước sạch của thành phố có vị lợ lợ, lúc ấy Nhà nước cũng đã tốn rất nhiều tiền để khắc phục nhưng chất lượng nước vẫn không khá hơn. Hiện tượng đó chỉ hết hẳn khi lượng nước trên sông Cái đầy trở lại. Điều đó cho thấy, chất lượng nước phụ thuộc rất nhiều yếâu tố khách quan. Tuy nhiên về mặt chủ quan, người dân cũng khá lo lắng về sự ô nhiễm nguồn nước. Dĩ nhiên, không ai nghi ngờ về quy trình sản xuất nước sạch nhưng điều đáng lo là nguồn nước đầu vào. Nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố hiện nay lấy trực tiếp từ dòng sông Cái - vốn bắt nguồn từ huyện Khánh Vĩnh và chảy qua huyện Diên Khánh trước khi đổ về Nha Trang. Không nói đến rác thải sinh hoạt của cư dân sống ở vùng thượng lưu và trung lưu sông Cái, mà nước thải từ các cơ sở sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp… cũng rất đáng lo ngại. Tại vùng thượng lưu có rất nhiều cơ sở chăn nuôi. Trừ một số doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, có đầu tư hệ thống xử lý nước thải bài bản, các cơ sở nhỏ ít được đầu tư, lượng nước thải được thải trực tiếp ra môi trường xung quanh và có nơi đi thẳng vào sông Cái. Chưa kể, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có dùng hóa chất trong quy trình sản xuất, chất thải ấy cũng có thể thải thẳng ra sông Cái.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã phát hiện một số vụ việc vi phạm về ô nhiễm môi trường liên quan đến nước thải nhưng việc xử lý vẫn còn ở mức độ hành chính nên tình trạng trên vẫn tồn tại. Có thể thời gian trước mắt, vấn đề này chưa hẳn nghiêm trọng, nhưng trong tương lai, khi dân số tăng, kinh tế xã hội phát triển, chắc chắn tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước nói riêng sẽ tăng trong lúc nhu cầu về nguồn nước sạch của xã hội cũng lớn hơn.

Sông Cái là nguồn cung cấp nước sạch chính cho thành phố, nếu không muốn nói là duy nhất, và trong tương lai gần cũng chưa thể có nguồn nước nào khác để thay thế. Vì thế, việc bảo vệ nguồn nước trên sông Cái cũng là điều cần lưu tâm. Theo đó, công tác quy hoạch nguồn nước cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Cần có định hướng, phát triển các ngành kinh tế ở các vùng thượng và trung lưu của dòng sông một cách phù hợp. Các cơ sở sản xuất phải bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật về hệ thống xử lý nước thải. Không nên để các cơ sở công nghiệp nặng (vốn dùng nhiều hóa chất trong quy trình sản xuất) nằm ở vị trí gần dòng chảy của sông Cái. Các khu dân cư nông thôn cũng phải được quy hoạch phù hợp. Mặt khác, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân sống dọc con sông.

THÙY MINH