03:08, 21/08/2010

Báo động về lối hành xử bạo lực trong xã hội

Thời gian gần đây, dư luận khá bức xúc trước cách hành xử bạo lực của không ít học sinh. Không chỉ nam sinh mà cả nữ sinh cũng “nói chuyện” với nhau bằng bạo lực. Nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng “đâm chém” người khác chỉ vì những nguyên cớ không đâu.

Thời gian gần đây, dư luận khá bức xúc trước cách hành xử bạo lực của không ít học sinh. Không chỉ nam sinh mà cả nữ sinh cũng “nói chuyện” với nhau bằng bạo lực. Nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng “đâm chém” người khác chỉ vì những nguyên cớ không đâu. Xu hướng giải quyết những vấn đề của bản thân bằng bạo lực đang ngày càng tràn lan và là một thực trạng đáng báo động.

Cách đây không lâu, tôi chứng kiến tận mắt một câu chuyện đầy bạo lực tại Mả Vòng (Nha Trang). Do nơi đây đang xây dựng công trình nên xe cộ ùn tắc khá đông. Những người điều khiển xe máy tìm mọi khoảng trống để đi, không theo một quy tắc giao thông nào. Lúc này có 2 thanh niên chạy xe máy chen giữa 2 chiếc ô tô đang chờ rẽ qua đường Lê Hồng Phong thì va chạm với một người đàn ông trung niên chạy xe máy ngược chiều. Hậu quả không có gì lớn vì 2 xe chỉ mới chạm nhẹ. Lỗi rõ ràng thuộc về 2 thanh niên, nhưng họ không những không xin lỗi mà còn quát người đàn ông trạc tuổi bố mình bằng những lời lẽ khó nghe. Người đàn ông, có lẽ vì không muốn làm to chuyện, lặng lẽ dựng xe dậy và không nói gì, chỉ nhìn 2 thanh niên. Thấy vậy, người thanh niên ngồi sau nhảy xuống vừa túm cổ áo và đấm thẳng vào mặt người đàn ông, vừa chửi tại sao ông này dám “nhìn đểu” mình. Mọi người chứng kiến đều rất bất bình trước thái độ côn đồ của 2 thanh niên nhưng không ai dám can ngăn. Người đàn ông vùng ra và bỏ chạy mới thoát được cơn giận dữ của gã côn đồ. Sau khi chửi thề, 2 thanh niên lên xe chạy thẳng, để lại phía sau cả một đám đông ùn tắc cùng với những bất bình.

Khi kể câu chuyện trên cho một người bạn nghe, anh bạn tôi ngao ngán cho biết, anh từng là nạn nhân của “đám choai choai” gần nhà. Bọn chúng suốt ngày lêu lổng, ai trong xóm hớ hênh cái gì là “cuỗm” ngay. Một lần, anh dựng xe trước cổng nhà, một chú nhóc lẻn tới, lấy tờ báo anh kẹp trên xe. Đúng lúc đó, anh đi ra bắt gặp và la lên thì chú nhóc không những không xin lỗi hay giải thích mà còn câng mặt lên thách thức: “Mượn tờ báo chứ làm gì ghê vậy”. Anh quát nó vài câu thì bỗng đâu xuất hiện mấy đứa nữa, hằm hè với anh. Tối, anh đến gặp bố mẹ chúng, nào ngờ nghe mẹ đứa nhỏ phán một câu lạnh tanh: “Có của thì lo mà giữ”. Tối hôm đấy, nhà anh tự dưng bị ném đá. Anh báo Công an phường cũng chẳng được gì dù biết chắc thủ phạm là ai.

Chuyện va chạm ở chốn công cộng rồi xảy ra xung đột, giải quyết nhau bằng bạo lực không còn là chuyện lạ, thậm chí hiện nay được coi là chuyện thường tình. Rất nhiều vụ án nghiêm trọng cũng xuất phát từ những nguyên do không đâu. Có những người bình thường rất hiền lành, thậm chí nhút nhát, nhưng khi bị kích động, họ vẫn có thể dùng hung khí để tấn công người khác. Điều này cho thấy, một số người hiện nay đang có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn.

Có nhiều nguyên nhân đã được đưa ra phân tích: nào là thiếu sự giáo dục, thiếu kiềm chế, rồi hoàn cảnh sống tác động đến hành vi của con người… Cũng có ý kiến cho rằng, pháp luật hiện nay còn nương nhẹ với những hành vi phạm tội như cố ý gây thương tích… nên mới nảy sinh nhiều vụ việc bạo lực. Những nguyên nhân này không sai, nhưng nó chỉ mới giải thích về mặt hiện tượng. Xét về căn nguyên, đó chính là sự xuống cấp về đạo đức, là hậu quả của quá trình giáo dục không toàn diện. Trong xã hội, nếu mỗi cá nhân được giáo dục bài bản, có một nguyên tắc sống nhất định thì sẽ điều khiển được hành vi của mình. Người càng có văn hóa bao nhiêu thì càng kiểm soát hành vi của mình tốt bấy nhiêu. Cho nên, những người không kiểm soát được hành vi của mình, có khuynh hướng sử dụng bạo lực là những người thiếu văn hóa và rất yếu đuối. Yếu ở đây không phải yếu về thể chất, mà là không thể tìm một phương cách khác, tốt đẹp hơn để giải quyết những vấn đề của mình.

Quay lại câu chuyện ban đầu, nếu như 2 thanh niên ấy có giáo dục, biết tôn trọng người khác và chín chắn hơn, họ chỉ cần xin lỗi vài câu, hai bên vui vẻ bỏ qua cho nhau thì đâu đến nỗi. Mặt khác, chính thái độ của những người chung quanh cũng khiến cho xu hướng bạo lực trở nên tràn lan. Sự e ngại, không dám đấu tranh cho cái đúng vô tình tiếp tay cho những kẻ côn đồ. Do không sợ bị lên án, trừng phạt về hành vi sai trái của mình, những thanh niên ấy mới ngông nghênh và quậy phá; nếu mọi người đồng tình lên án, có lẽ họ chẳng dám manh động. Ngoài ra, sự thiếu nghiêm khắc và công minh của pháp luật cũng khiến tình trạng ấy gia tăng. Mức chế tài đối với những người xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác còn nhẹ và thường được “du di” cho hưởng án treo nên chưa đủ sức răn đe những hành vi bạo lực.

THÙY MINH