Vừa qua, trước tình hình thiếu điện, Báo Khánh Hòa đã có rất nhiều bài viết xung quanh việc cắt điện. Trong các bài viết, Báo Khánh Hòa đã phản ánh khách quan ý kiến của các bên liên quan, nhất là giải thích của ngành Điện.
Vừa qua, trước tình hình thiếu điện, Báo Khánh Hòa đã có rất nhiều bài viết xung quanh việc cắt điện. Trong các bài viết, Báo Khánh Hòa đã phản ánh khách quan ý kiến của các bên liên quan, nhất là giải thích của ngành Điện. Sau khi những thông tin trên được đăng tải, Tòa soạn lại nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Chúng tôi xin trích đăng các ý kiến trên và rất mong ngành Điện nghiên cứu trả lời.
“Vừa qua Điện lực Khánh Hòa (ĐLKH) đã tiết giảm điện bằng cách cắt điện sinh hoạt có kế hoạch, và có thông báo cho nhân dân. Thời gian đầu, ĐLKH chấp hành rất nghiêm túc, nhưng đến nay, không hiểu vì lý do gì mà ĐLKH cắt điện luôn vào ban đêm, ví dụ như chỗ tôi ở cắt từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau, nhiều ngày có điện thì bị cắt từ 14 đến 17 giờ”. (Lê Văn Đồng - levdong@yahoo.com.vn)
“Bố mẹ tôi hiện ở Tân Sinh - Cam Lâm. Tuần vừa qua mẹ có gọi điện cho tôi báo rằng sao tiền điện tháng này vẫn cao như những tháng trước trong khi điện ngày có, ngày không, thậm chí còn cúp đến 22 giờ, hay là do đồng hồ nhà mình bị hư? Tôi trả lời, có lẽ họ ghi sai số đó thôi chứ hư thì không thể xảy ra vì khi hư thì công tơ điện sẽ không hoạt động. Nhưng khi đọc bài trả lời của 2 vị có thẩm quyền của ngành Điện lực trong bài “Điện cúp vẫn phải trả tiền điện cao”, tôi chẳng biết phải hiểu như thế nào. Một câu trả lời không thể chấp nhận được. Nếu các vị trả lời như vậy thì việc cắt giảm điện có tiết kiệm được hay không? Điện cúp thì không thể nào bằng với sử dụng hàng ngày. Hay ĐLKH vừa muốn cúp điện để tiết kiệm mà vừa không muốn doanh thu bị giảm nên mới làm cách này?”. (Nguyễn Thị Lan Vy - ntlchi@hoamatroi.com)
“Chúng tôi là người dân thuê phòng trọ tại 39 Hương lộ 45, Ngọc Hiệp, Nha Trang. Hiện giờ chúng tôi phải trả tiền điện đến 3.000 đồng/kWh. Khi thắc mắc tại sao điện ngày có, ngày không mà vẫn tính giá cao thì chủ nhà nói công tơ điện vẫn giữ mức cũ, thậm chí còn cao hơn nên những người thuê phòng vẫn phải trả”. (huangshuling@qq.com)
“Sau khi đọc bài báo “Điện cúp vẫn phải trả tiền điện cao” tôi rất phân vân. Từ khi Điện lực triển khai lịch cắt điện 1 có 1 không, đến cuối tháng, gia đình tôi vẫn phải trả tiền điện trội hơn tháng trước hơn 100 ngàn đồng. Lúc đầu tôi cũng rất phân vân nhưng chồng tôi nói chắc có lẽ do nắng nóng nên sử dụng quạt nhiều hơn. Giờ đọc bài báo này tôi thấy giống tình trạng gia đình tôi”. (pvthuy@dng.vnn.vn)
“Theo tôi, nên có một cuộc thanh tra về sự chính xác của công tơ điện mà ngành Điện đã lắp đặt cho người dân sử dụng. Còn nhớ ngày trước, khi thay công tơ điện mới cho người dân sử dụng thì tiền điện mỗi tháng chúng tôi phải trả thấp hơn so với trước khi thay công tơ điện mới. Trong tháng, điện 1 ngày có, 1 ngày cúp như hiện nay mà chúng tôi phải trả tiền bằng hoặc cao hơn so với khi điện có bình thường là quá vô lý. Lời giải thích của ngành Điện là không thể chấp nhận được! Trong sự việc này chắc chắn có sự mơ hồ. Tôi nói vậy bởi vì tôi là hộ kinh doanh dịch vụ Games Online & Internet. Xét về công suất hoạt động thì tiệm tôi khách vẫn đều khi có điện, không giảm cũng không tăng. Cuối tháng kiểm tra doanh thu trên phần mềm quản lý tính tiền thì kết quả là: doanh thu giảm một nửa, bởi vì máy chỉ hoạt động 15/30 ngày nhưng chi phí tiền điện cao hơn so với tháng có điện bình thường. Nếu như ngành Điện nói rằng, do trời nắng nóng, người dân sử dụng điện nhiều hơn so với bình thường thì giải thích như thế nào đối với trường hợp của tôi? Xin cho tôi 1 cách tính hợp lý để giải thích được phần chênh lệch như đã nêu”. (Bienbinhyen2010)
“Chúng tôi là các hộ dân từ 356 đến 405 và 342 đến 376A Lê Hồng Phong thuộc trạm biến áp T108. Trong vòng 14 ngày (từ 14 đến 27-6) các hộ dân chúng tôi bị cắt điện đến 24 lần. Nhưng những lần bị cắt điện đa số rơi vào thời gian ban đêm, đặc biệt là 2 ngày 25 và 27-6, mỗi ngày cắt 6 lần vào các giờ cao điểm và ban đêm. Cùng ở khu vực này có 2 trạm biến áp khác là T40D và T24C nhưng 2 trạm này hoạt động bình thường. Còn trạm T108 thì cắt điện liên tục và đột ngột. Chúng tôi kiến nghị: ngày có điện thì phải có liên tục, không được cắt đột xuất. Đối với cơ sở tiêu thụ nhiều điện năng thì có kế hoạch tách riêng với điện sinh hoạt…”. (Lê Thành Huy, Nguyễn Thị Phương, Tô Đình Du và 7 hộ dân khác)