08:07, 27/07/2010

Tình cảm thiêng liêng và nghĩa vụ của chúng ta

Tôi vô cùng xúc động khi đọc bài “Người nữ anh hùng tuổi 19” của nhà báo Việt Lâm (Báo Khánh Hòa Thứ hai, số 3073, ngày 26-7-2010) viết về liệt sĩ Đặng Thị Kim (tức Oanh), người nữ đảng viên trẻ tuổi quê Nam Định đã chiến đấu và hy sinh kiên cường trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nha Trang. Tôi vô cùng xúc động khi đọc bài “Người nữ anh hùng tuổi 19” của nhà báo Việt Lâm (Báo Khánh Hòa Thứ hai, số 3073, ngày 26-7-2010) viết về liệt sĩ Đặng Thị Kim (tức Oanh), người nữ đảng viên trẻ tuổi quê Nam Định đã chiến đấu và hy sinh kiên cường trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nha Trang.

Tôi vô cùng xúc động khi đọc bài “Người nữ anh hùng tuổi 19” của nhà báo Việt Lâm (Báo Khánh Hòa Thứ hai, số 3073, ngày 26-7-2010) viết về liệt sĩ Đặng Thị Kim (tức Oanh), người nữ đảng viên trẻ tuổi quê Nam Định đã chiến đấu và hy sinh kiên cường trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nha Trang. Có một sự ngẫu nhiên là tôi cùng tuổi với chị, cùng tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Nha Trang, cùng hoạt động trên một chiến trường và năm chị hy sinh là năm tôi được kết nạp vào Đảng (1948). Tôi đã rơi nước mắt khi đọc những dòng tiểu sử của chị (lập tháng 5-1961, được anh em xin phép photocopy lại) hiện được lưu trữ ở Viện Huân chương Trung ương khi chị được Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Tôi cũng xin được tâm sự thêm về một sự ngẫu nhiên khác rất kỳ lạ: nơi chị bị bắt với 2 đồng chí, sau này cả 3 đều bị địch sát hại, chính là nơi đúng 4 năm sau - ngày 11-3-1952 - một người chị trong gia đình tôi bị địch phục kích bắn chết khi chiếc xuồng đưa chị từ căn cứ của huyện Vĩnh Xương về xã Xuân Hải bị chúng tấn công. Chiếc xuồng chìm gần bờ, địch đã lôi xác chị lên đất liền và kéo lê về đồn của chúng để uy hiếp tinh thần bà con. Đồng bào phẫn uất cực độ đã la ó phản đối và kéo lên đồn buộc địch phải cho gia đình nhận thi hài chị về chôn cất. Chị lớn hơn chị Kim và tôi đúng 11 tuổi, là 1 trong 3 đảng viên đầu tiên của xã Xuân Hải và là Thị ủy viên Thị ủy Nha Trang năm 1951. Nỗi đau của gia đình càng lớn hơn khi 9 tháng sau đó, đứa con trai duy nhất của chị đang công tác trong đội giao liên, trinh sát của xã đã bị địch bắn chết khi vừa tròn 15 tuổi.

Đọc bài báo, liên hệ với bản thân mình, tôi vô cùng khâm phục chị Kim, người đồng chí cùng tuổi với tôi nhưng đã sống rất anh hùng “cứng như thép, vững như đồng” trước những thủ đoạn tra tấn dã man của địch. Tim tôi như muốn vỡ ra khi biết chị đã nói trước mặt kẻ thù trước lúc chúng đem chị đi hành hình: “Bay có giết tao thì giết nhưng con tao trong bụng vô tội, bay để tao đẻ rồi sẽ bắn”. Một người đảng viên trẻ, một bà mẹ mới 19 tuổi và đang mang thai đứa con đầu lòng đã nói những lời mà bất cứ ai nghe cũng phải xúc động.

Điều tôi còn băn khoăn là hình như đến hôm nay, tấm gương hy sinh cao cả của chị chưa được nhiều người biết và sự tuyên dương công trạng cũng còn hạn chế. Tôi biết những khó khăn của chiến tranh hồi ấy (1945 - 1947) nhưng bây giờ đã khác xa rồi. Tôi xin lấy một thực tế để dẫn chứng: người chị liệt sĩ của gia đình chúng tôi (đã nói ở trên) sau 1975 được công nhận liệt sĩ, được truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công”, con chị cũng được công nhận liệt sĩ và cùng lúc chị được Chủ tịch nước tuyên dương Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hơn thế, TP. Nha Trang đã lấy tên chị đặt cho một con đường nội thị ở phường Vĩnh Trường (trước đây là xã Xuân Hải). Hôm gắn biển tên đường, cả nhà tôi đã khóc.

Qua đây, tôi xin kiến nghị: Tỉnh Khánh Hòa và TP. Nha Trang phối hợp với gia đình chị Đặng Thị Kim (tức Oanh) ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sĩ Đặng Thị Kim. Xin nói thêm: chị Kim đã từng xây dựng lực lượng du kích ở xã để phối hợp hoạt động với đội biệt động thành phố. Chúng ta đã có những nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nổi tiếng như: Nguyễn Thị Trừ, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trần Thị Tính từng hoạt động như vậy trong 2 cuộc kháng chiến.

Về hai đồng chí bị bắt cùng với chị Đặng Thị Kim và đã bị địch sát hại, gia đình chị Kim đã xác định đó là hai đồng chí liệt sĩ Vũ Tiếu Trung (quê Phú Yên) và Nguyễn Văn Đài (quê Khánh Hòa). Không chỉ gia đình chị Đặng Thị Kim yêu cầu tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên xác định thân nhân của hai liệt sĩ và đưa hài cốt về với gia đình, địa phương, đồng thời giải quyết các chế độ (nếu chưa được giải quyết), mà đó cũng là yêu cầu của tất cả chúng ta, là bổn phận thiêng liêng của người đang sống đối với các liệt sĩ, anh hùng đã hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Còn nhớ, khi tôi còn công tác ở UBND tỉnh Khánh Hòa, một lần ra họp ở Trung ương, tôi nghe một vài tỉnh, thành đã đặt kế hoạch “sẽ dứt điểm việc xem xét, giải quyết chính sách đối với thương binh liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến… sau một thời gian nhất định”. Một đồng chí lãnh đạo Chính phủ đã phê phán: “Khẩn trương giải quyết chế độ chính sách cho thương binh liệt sĩ là tốt, cố gắng đừng để sót, nhưng đặt cho công tác này một thời hạn là sai. Bất cứ lúc nào phát hiện có đối tượng là phải giải quyết ngay, đó là tình cảm thiêng liêng, là nghĩa vụ của chúng ta”.

GIANG NAM