03:07, 26/07/2010

Đã nghèo còn gặp eo!

Một trong những vấn đề nóng bỏng, đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhân dân, nhất là tầng lớp người lao động nghèo, đó là dự thảo viện phí mới mà Bộ Y tế mới đưa ra. Theo đó, trong tổng số hơn 320 mức dịch vụ Bộ Y tế đưa ra trong dự thảo đề xuất chỉnh sửa, chỉ có một số loại dịch vụ vẫn giữ nguyên mức giá, còn lại đều tăng gấp 10 lần, thậm chí các loại dịch vụ kỹ thuật cao tăng gấp 20 lần.

Một trong những vấn đề nóng bỏng, đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhân dân, nhất là tầng lớp người lao động nghèo, đó là dự thảo viện phí mới mà Bộ Y tế mới đưa ra. Theo đó, trong tổng số hơn 320 mức dịch vụ Bộ Y tế đưa ra trong dự thảo đề xuất chỉnh sửa, chỉ có một số loại dịch vụ vẫn giữ nguyên mức giá, còn lại đều tăng gấp 10 lần, thậm chí các loại dịch vụ kỹ thuật cao tăng gấp 20 lần.

Với mức phí khám chữa bệnh mới này, đa số đối tượng người nghèo, công nhân, công chức hưởng lương thấp, những người bị bệnh mãn tính, hiểm nghèo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cảm giác chung của đa số người dân là lo lắng, dù ngành Y tế đã trấn an dư luận rằng, vẫn còn bảo hiểm y tế và các chính sách khác để hỗ trợ người bệnh.

Tại một góc hàng lang Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi gặp chị Ngọc (quê ở xã Vạn Hưng, Vạn Ninh) đang ăn vội hộp cơm. Chị kể, anh Tuấn - chồng chị - đang phải chạy thận nhân tạo ở đây hơn một tuần. Chị mếu máo: “Khổ vì cảnh đi viện xa nhà, lên thành phố trăm ngàn thứ tốn kém. Nào là tiền ăn, tiền ở, thuốc thang, đi lại, tiền chăm sóc… Hai vợ chồng tôi làm nghề đi biển, nay không ra khơi được, chồng lại nằm viện, rất tốn kém nên ở nhà có cái gì cũng đem bán hết, từ lợn, gà; còn phải vay mượn tiền của làng xóm. Đấy là nhà tôi còn có bảo hiểm y tế. Thế mà có hơn một tuần đã tốn mấy triệu bạc. Giờ nếu tăng viện phí, cái gì cũng tăng theo thì sao chịu nổi”. Theo mức tăng mới, nếu có thẻ bảo hiểm y tế thì chị Ngọc cũng phải đóng 20% viện phí, đó cũng là một gánh nặng đối với chị.

Không riêng hoàn cảnh của chị Ngọc, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hàng trăm bệnh nhân ở tuyến dưới chuyển lên đều có cảnh ngộ khó khăn như thế. Cháu Duy 14 tuổi (ở Phước Đồng, Nha Trang) bị đau dạ dày, nằm viện gần một tuần. Bố mẹ cháu bận đi làm nên phải thuê người chăm sóc. Giờ viện phí tăng, giá cả thuốc thang, mặt bằng chung cũng ào ào tăng theo. Ba mẹ Duy lại là công nhân viên chức bình thường, sao gánh nổi các khoản chi phí?

Theo tìm hiểu, hầu hết các gia đình bệnh nhân đều phải gồng mình lên mỗi khi chẳng may có người thân đi viện. Tốn kém tiền triệu cho bệnh nhân là chuyện rất bình thường. Với mức thu nhập bình quân của người lao động nghèo tại Nha Trang hiện nay là 1,5 đến 2 triệu đồng thì đó là cả một gánh nặng nhân sinh. Thiết nghĩ, nếu viện phí tăng lên khoảng 10 lần thì sẽ kéo theo vô vàn những dịch vụ, tiền thuốc men, giá cả, chi phí liên quan cũng đồng loạt tăng theo. Vậy câu hỏi đặt ra là ai sẽ “bảo hiểm” cho bệnh nhân nghèo những khoản tăng kéo theo kia? Đó chính là mối lo lắng, quan tâm nhất của những bệnh nhân nghèo, nông dân, người làm công ăn lương. Kể cả khi chưa tăng viện phí như hiện nay thì mỗi khi có người nằm viện, gia đình bệnh nhân đã tốn rất nhiều chi phí cho các công tác khám chữa bệnh, thuốc men… Với mức tăng viện phí chóng mặt như thế này, về lâu dài, người dân sẽ rất sợ khi phải đến bệnh viện.

Thiết nghĩ, ngành Y tế là ngành mang tính chất phúc lợi xã hội, được Nhà nước đầu tư, bảo trợ nhằm mang lại lợi ích cho người dân. Dĩ nhiên, các bệnh viện cũng phải hoạt động theo quy luật thị trường nên chịu tác động to lớn từ kinh tế xã hội. Nhưng nếu không cân bằng được giữa tính chất phúc lợi xã hội và tính thị trường thì rõ ràng chỉ có người dân là bị thiệt. Vì vậy, việc bệnh nhân nghèo lo lắng về mức viện phí mới là điều dễ hiểu.

Ở góc độ vĩ mô, việc Nhà nước ra quyết sách tăng việân phí là dựa trên những lý do thích hợp. Tuy nhiên, người dân, đặc biệt là người dân nghèo rất mong muốn những nguyện vọng của mình sẽ được xem xét thỏa đáng, chẳng hạn như có thể tăng dần theo lộ trình để người dân kịp thời thích nghi, chứ “làm cái rụp” kiểu này, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thiệt thòi.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ