Giữa những ngày tháng bảy nghĩa tình này, những người dân đất Việt ở khắp mọi miền đất nước lại bồi hồi nhớ đến hàng triệu người con ưu tú đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Giữa những ngày tháng bảy nghĩa tình này, những người dân đất Việt ở khắp mọi miền đất nước lại bồi hồi nhớ đến hàng triệu người con ưu tú đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược. Cuối cùng, kẻ thù đều cuốn cờ tháo chạy về nước. Đó là bởi chúng chạm phải ý chí sắt đá triệu người như một, đoàn kết nhất trí, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc của dân tộc như lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch trong ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Hưởng ứng lời kêu gọi, hàng triệu người, già trẻ, gái trai, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đã nhất tề xông ra tiền tuyến “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, làm nên cuộc kháng chiến vĩ đại, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong cuộc đấu tranh giành, giữ độc lập, tự do và thống nhất, Tổ quốc đã phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn: Hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống hoặc mang thương tật suốt đời, nhiều người còn mang trong mình vết thương “da cam”. Sự hy sinh của các liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng vì dân tộc, vì đất nước là vô giá. Đảng, Nhà nước, và nhân dân ta ghi nhớ mãi mãi cống hiến to lớn đó.
Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, bổn phận của mỗi chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ”, những năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã thực hiện tốt công tác chính sách, đẩy mạnh phong trào “đền ơn, đáp nghĩa” với sự vào cuộc của các ngành, địa phương và nhiều tổ chức, cá nhân bằng những việc làm hiệu quả, chăm sóc về vật chất, tinh thần với tất cả lòng trân trọng.
63 năm qua, các phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đã dấy lên trên khắp cả nước và thực sự đã mang lại những kết quả tốt đẹp, là minh chứng cụ thể và sâu đậm nhất để ghi nhớ những đóng góp, sự hy sinh lớn lao của nhiều thế hệ đã sống, chiến đấu xả thân vì nền độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng những việc làm thiết thực, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Phong trào đã và đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức phong phú như: áo lụa tặng bà; áo ấm tặng mẹ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa; xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng, cha mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ; xây dựng nghĩa trang và đài liệt sĩ… Các phong trào “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” trở thành những hoạt động xã hội sôi nổi, thường xuyên, mang đậm giá trị nhân văn. Những việc làm đó thể hiện rõ nhất ý Đảng, lòng dân, là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy, phát triển, phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát, giúp các gia đình liệt sĩ, thương binh vượt qua đau thương, nỗ lực phi thường, không ngừng vươn lên trong cuộc sống, công tác để tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Có thể nhận thấy ở khắp nơi, nhiều thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã vượt lên thương tật, hoàn cảnh khó khăn để xây dựng và phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ người xung quanh, trở thành những tấm gương vượt khó, những bông hoa giữa đời thường, xứng đáng là “người công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu”, là nhân tố, điển hình mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã làm được rất nhiều việc trong chăm sóc các đối tượng chính sách. Tất cả những việc làm này đã làm ấm lòng gia đình chính sách. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, thậm chí có thiếu sót và khuyết điểm, còn một số xã, phường chưa làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; một bộ phận gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng chiến tranh ác liệt trước đây, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai vẫn phải sống nghèo khó, vất vả; chưa quy tập hết hài cốt và xác định rõ phần mộ liệt sĩ, có những gia đình hàng chục năm mòn mỏi mẹ ngóng con, vợ đợi tin chồng, con chờ tin cha. Có cả ngàn những mộ bia trắng chỉ với dòng chữ “chiến sĩ vô danh”, hoặc đây đó vẫn còn những tổ chức, cá nhân vi phạm, làm sai chính sách thương binh liệt sĩ… là nỗi buồn của không ít gia đình chính sách.
Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, đi đôi với phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, bên cạnh những hoạt động thiết thực, cũng cần quan tâm đến tuyên truyền, giáo dục, “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, làm cho các thế hệ hôm nay và mai sau thấy được niềm vinh dự, tự hào được sống trong hòa bình. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó. Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.
NGUYỄN THANH HOÀNG