07:07, 18/07/2010

Để trẻ có một mùa Hè đúng nghĩa

Những ngày qua, theo dõi diễn đàn “Hoạt động Hè cho học sinh” trên báo Khánh Hòa, tôi thấy các tác giả đưa ra nhiều ý kiến rất hay, rất bổ ích. Nhưng tôi cũng băn khoăn, bởi trong bối cảnh hiện nay, thực hiện theo những lời khuyên đó không dễ. Vì thế, câu hỏi “làm thế nào để trẻ có một mùa Hè đúng nghĩa”, theo tôi, vẫn còn khó trả lời.

Những ngày qua, theo dõi diễn đàn “Hoạt động Hè cho học sinh” trên báo Khánh Hòa, tôi thấy các tác giả đưa ra nhiều ý kiến rất hay, rất bổ ích. Nhưng tôi cũng băn khoăn, bởi trong bối cảnh hiện nay, thực hiện theo những lời khuyên đó không dễ. Vì thế, câu hỏi “làm thế nào để trẻ có một mùa Hè đúng nghĩa”, theo tôi, vẫn còn khó trả lời.

Mùa Hè, theo đúng nghĩa, là mùa vui chơi của tuổi học trò, là mùa xuống biển, lên rừng dưỡng sức, là về quê nội, quê ngoại thả diều, hái hoa bắt bướm, nghỉ ngơi sau 9 tháng trời đánh vật với chữ nghĩa. Nhưng thực tế, không mấy trẻ được hưởng một mùa Hè như vậy. Ở thành phố, phần lớn các cháu chỉ được nghỉ Hè khoảng 10 ngày (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6) là lại phải đến các lớp học thêm văn hóa trong Hè. Chị Mai, một đồng nghiệp của tôi tâm sự: “Thật ra, mình rất muốn cho con nghỉ Hè, nhưng mới đầu tháng 6 các thầy cô đã mở lớp học thêm, mình phải cho con đi học để theo kịp bạn bè”. Chị Mai có 2 cậu con trai, một cháu năm nay lên lớp 12, một cháu chuẩn bị vào lớp 6. Cháu lớn, theo chị Mai, đương nhiên là không được nghỉ Hè, bởi năm nay là năm cuối cấp, cháu phải ôn luyện để thi tốt nghiệp, thi đại học. Ngoài học thêm 5 môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh, chị Mai còn thuê một gia sư là sinh viên Trường Đại học Nha Trang kèm cháu ở nhà 1 tuần 3 buổi “để giải đáp những điều cháu chưa hiểu trên lớp”. Riêng cháu học lớp 6, chị cho học thêm Toán, Vật lý và Tiếng Anh, vì theo chị “Toán, Tiếng Anh là những môn học quan trọng, cần phải học cho thật chắc. Riêng Vật lý, do nghe bạn bè nói chương trình lớp 6 môn này rất khó nên chị cho con theo học. “Thấy Hè mà các con phải đi học suốt tuần, mình cũng xót lắm, nhưng không học không được. Với lại, cho con đi học còn hơn để ở nhà, suốt ngày xem ti-vi, chơi game, càng hại hơn nữa”, chị Mai chia sẻ. Được biết, những năm trước, Hè nào chị Mai cũng cho cậu con trai thứ hai đến Nhà Thiếu nhi tỉnh để luyện chữ đẹp. “Hết Hè, chữ cháu rất đẹp, nhưng vào năm học, chữ lại xấu như cũ. Tôi hỏi sao con đã luyện chữ đẹp rồi mà bây giờ chữ vẫn xấu, cháu giải thích do ở lớp, thầy cô giảng nhanh, đọc nhanh, cháu phải viết nhanh nên không thể nắn nót được”, chị Mai kể và cho biết Hè năm nay, thay vì luyện chữ đẹp, chị cho con đi học bơi.

Không riêng chị Mai, đa số con em các gia đình sống ở thành phố hiện nay đều cùng một kiểu nghỉ Hè như vậy. Do cha mẹ các em bận đi làm, không có thời gian chơi với con hoặc hướng dẫn con đi chơi, nên ngoài giờ học văn hóa, các em không biết đi đâu, làm gì. Nhiều em sa vào quán Internet hoặc xem ti-vi suốt ngày. Chị Mai kể, hồi tháng 6, mỗi khi đến ngày cắt điện là chị lại đau đầu vì không biết phải làm thế nào với 2 cậu con trai. Sau khi đi học thêm về (mỗi môn học thêm chỉ kéo dài 1 giờ rưỡi đến 2 giờ), các con của chị lại “vật vờ” hết nằm lại ngồi, chán nản vì ti-vi, máy vi tính không hoạt động. Nhìn các con cứ nằm dài ngủ hoặc vừa quạt phành phạch vừa đọc truyện tranh trong căn phòng không đủ sáng, chị rất thương nhưng không biết làm thế nào. Chị cũng không dám cho con tự đi chơi vì sợ ra đường bị tai nạn giao thông, sợ bạn xấu rủ rê sa vào tệ nạn xã hội. Tôi hỏi sao chị không cho cháu tham gia sinh hoạt ở Nhà Thiếu nhi, nơi đó có nhiều hoạt động rất bổ ích, chị Mai cho biết, chị không thể đưa đón con suốt ngày như vậy. “Nội đưa đón đi học thêm đã hết giờ, nếu sinh hoạt thêm ở Nhà Thiếu nhi, có nước tôi nghỉ làm để đưa đón con”, chị Mai bày tỏ.

Rõ ràng, ở thành phố hiện nay, những gia đình như gia đình chị Mai không hiếm. Với họ, để cho con một mùa Hè đúng nghĩa không phải là việc đơn giản. Còn ở miền quê, mùa Hè của các em chủ yếu là phụ việc người lớn. Người lớn làm việc gì, trẻ con làm việc đó, cũng ruộng vườn, chăn nuôi… Một số em vào các cơ sở sản xuất địa phương làm việc nhận tiền công dù pháp luật đã cấm sử dụng trẻ em. Hè đến cũng là lúc số lượng trẻ bán vé số ở thành phố tăng vọt, bởi công việc này không cần chuyên môn, chỉ cần có sức đi bộ nên không chỉ trẻ em nghèo ở thành phố mà ở các huyện cũng đổ về. Rất nhiều hiểm nguy rình rập các em nhỏ đi bán vé số, kiếm tiền ngoài đường. Với các em, một mùa Hè đúng nghĩa có lẽ còn ở rất xa.

Theo ý kiến của các chuyên gia tư vấn, để trẻ có một mùa Hè đúng nghĩa, các bậc cha mẹ cần tạo môi trường và dành thời gian dẫn dắt trẻ, giúp trẻ có những hoạt động vui chơi theo từng độ tuổi. Nên hướng trẻ vào những hoạt động như: học các môn năng khiếu (nhạc, họa, thể thao) hoặc đọc sách báo, nghe nhạc, xem những bộ phim ưa thích do chính các em lựa chọn dưới sự hướng dẫn của cha mẹ; tham gia sinh hoạt xã hội, đoàn thể (địa phương, các tổ chức tự nguyện); rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống (làm bếp, làm vườn, lái xe, sửa máy tính, tạo blog, dịch sách…); rèn luyện kỹ năng giao tiếp (thăm bà con, thầy cô, bạn bè cũ…); cùng gia đình về quê thăm ông bà, đi du lịch, chụp ảnh, quay phim, tạo album, viết về những gì mình trải nghiệm trong chuyến đi… Các bậc cha mẹ hãy dành chút thời gian cho trẻ, không nên lấy lý do vì công việc “ngập đầu ngập cổ” mà để trẻ không có những ngày hè đúng nghĩa. Hãy cho trẻ những mùa Hè thật sự ý nghĩa, giúp trẻ tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích cho hành trang vào đời.

NGỌC KHÁNH