05:07, 30/07/2010

Bộ mặt nào cho đô thị tương lai?

Hiện nay, TP. Nha Trang đã được quy hoạch chi tiết. Đến xã, phường nào cũng đều có thể thấy bản đồ QH được treo rất bề thế. Tuy nhiên, trên thực tế, các công trình xây dựng đang mọc lên vẫn không theo trật tự nào, khiến bộ mặt của thành phố đang ngày một xấu đi.

Hiện nay, TP. Nha Trang đã được quy hoạch (QH) chi tiết. Đến xã, phường nào cũng đều có thể thấy bản đồ QH được treo rất bề thế. Tuy nhiên, trên thực tế, các công trình xây dựng đang mọc lên vẫn không theo trật tự nào, khiến bộ mặt của thành phố đang ngày một xấu đi. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các xã ngoại thành, nơi mà tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Ngay từ bây giờ, nếu không có biện pháp phù hợp thì hậu quả về lâu dài sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến việc nâng cấp đô thị Nha Trang trong tương lai.

Đi một vòng qua các xã ngoại thành, nếu để ý những khu dân cư (KDC) nông thôn mới thành lập, có thể thấy các ngôi nhà mọc lên chẳng theo một trật tự nào cả. Chẳng hạn, nếu vào các KDC thuộc các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, cứ dọc theo những con đường bê tông ngoằn ngoèo là đủ các loại nhà. Nhà biệt thự cũng có, nhà cấp 3 cũng có, còn nhà cấp 4 thì vô thiên lủng, thậm chí có cả nhà dựng bằng các loại vật liệu tạm bợ. Các ngôi nhà này mọc lên rất lộn xộn như một hàm răng mọc lệch, trông chẳng đẹp mắt tí nào. Đã thế, mỗi cái mỗi kiểu dáng khác nhau, tùy vào túi tiền và thẩm mỹ của chủ nhà. Nếu nhìn vào bản đồ QH, chắc chắn rất nhiều ngôi nhà trong số ấy không phù hợp, nếu không muốn nói là phá vỡ QH. Tình trạng này đặt ra vấn đề: khi Nhà nước tiến hành QH thì xử lý các công trình này như thế nào, đó là chưa nói đến chuyện bồi thường rất phức tạp. Đâïp phá thì lãng phí, mà để lại thì lộn xộn, mất mỹ quan và điều đó dẫn đến hiệu quả QH rất thấp.

Những ngôi nhà như thế này đang phá vỡ không gian kiến trúc đô thị.
Để công tác quản lý QH đô thị được chặt chẽ, người dân xây dựng các công trình phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, về quy chuẩn cũng như các thủ tục hành chính có liên quan bởi ngoài việc xây dựng, người dân phải đảm bảo về quyền sử dụng đất. Một người dân muốn xây dựng công trình, phải xin phép các cơ quan chức năng. Tùy từng địa bàn thuộc đơn vị hành chính xã, phường mà quy định pháp luật về xây dựng cũng khác nhau. Chẳng hạn, muốn xây dựng nhà ở trong KDC nông thôn ở xã thì diện tích đất tối thiểu được quy định sẽ khác với ở phường (thuộc đô thị)… Ngoài ra, còn phải có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền. Có như thế, Nhà nước mới quản lý được xây dựng và điều chỉnh để tạo được một cảnh quan đô thị phù hợp với QH đã được phê duyệt.

Tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng khá tràn lan, nhất là các KDC nông thôn. Điều này là do nhiều nguyên nhân nhưng trực tiếp nhất là do chính quyền địa phương cũng như những cơ quan chuyên môn chưa thực sự quản lý chặt chẽ lĩnh vực này. Chẳng hạn, tại các xã ngoại thành, người dân vô tư cắt đất vườn, đất trồâng lúa ra bán, mỗi lô đất chỉ có khoảng 30 - 50m2 đất thổ cư, còn lại là “đất quả” hoặc đất lúa. Trên thực tế, người xây cứ xây toàn bộ diện tích, miễn sao ban đầu được phép xây dựng, còn sau đó xây như thế nào thì cũng chẳng mấy ai kiểm tra, giám sát. Chuyện hoàn công thì chỉ có những người gương mẫu hoặc muốn “chắc ăn” về mặt giấy tờ thì mới tuân thủ, còn lại thì “quên đẹp”.

Ở các phường thuộc nội thị, tình trạng này ít hơn vì được quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, có một số tuyến đường mới mở, khi nâng cấp mở rộng đường, người dân cũng vô tư xây dựng mà chẳng cần giấy phép. Điều này xuất phát từ lợi ích của cả 2 bên, Nhà nước thì muốn người dân sớm giao mặt bằng để thi công nên cũng “thông thoáng”, còn người dân thì tranh thủ làm đường để xây dựng cho nhanh - việc mà nếu bình thường thì họ phải “mướt mồ hôi” mà chưa chắc đã xong. Cho nên khi xây dựng không cần phải có giấy phép thì người dân muốn xây thế nào thì xây, nhà thì cao, nhà thì thấp, ban công các tầng đưa ra cũng chẳng đều. Mặt tiền nhà cũng nghiêng ngửa lung tung, có nhà lệch sang phải, nhà lệch bên trái… trông rất xấu. Đó là chưa kể, độ an toàn của các công trình chưa cao bởi vì phần lớn chủ nhà tự thiết kế, nhà thầu cứ thế mà thi công, không mấy ai tính toán một cách khoa học về độ chịu lực của vật liệu, khảo sát địa chất để xây dựng móng… và cũng chẳng có cơ quan chuyên môn nào thẩm định, cho nên chẳng ai dám đảm bảo chất lượng các công trình này.

Để công tác QH có hiệu quả, việc thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng, QH, kế hoạch sử dụng đất là rất cần thiết. Các ngành, các cấp phải có những biện pháp quyết liệt nhưng bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu xây dựng của người dân và QH trong tương lai. Tuyệt đối không để tình trạng lấn chiếm xây dựng bừa bãi vào đất đã QH. Pháp luâït đã quy định xử lý những trường hợp này rất cụ thể, nhưng quan trọng là những quy định ấy có được áp dụng vào thực tế hay không mà thôi.

SONG MINH