Cùng lăn theo nhịp quay sôi động của trái bóng mùa World Cup 2010 ở Nam Phi, hàng trăm sinh viên (SV) của Trường Đại học Nha Trang cũng rủ nhau đi xem đá bóng và… cá độ.
Cùng lăn theo nhịp quay sôi động của trái bóng mùa World Cup 2010 ở Nam Phi, hàng trăm sinh viên (SV) của Trường Đại học Nha Trang cũng rủ nhau đi xem đá bóng và… cá độ.
Ai cũng biết tác hại của trò đỏ đen cùng trái bóng này thế nào, nhất là đối với SV. Nguy hiểm hơn là World Cup diễn ra đúng thời điểm các SV ở đây đang ôn thi cuối kỳ. Bên cạnh việc chia sẻ thời gian, tâm trí cho những trận đấu bóng tận bên trời Phi xa xôi, tiền của gia đình gửi cho con ăn học cũng bị các SV đem đặt cược hết vào những kèo, tài xỉu… và muôn vàn kiểu cá độ khác nhau cùng trận đấu bóng.
Rất dễ dàng để nhận ra tại các quán cà phê bóng đá ở đoạn dốc Thủy sản (ngã ba giao nhau giữa đường 2-4, Nguyễn Đình Chiểu, Lạc Thiện) đều có các chủ ngồi ghi độ. Dạo một vòng khoảng gần 30 quán, ta có thể bắt gặp rất nhiều SV đang mặc đồng phục Trường Đại học Nha Trang ngồi dán mắt vào màn hình tivi hay tờ báo thể thao.
Tìm hiểu kỹ hơn về các hình thức cá độ mà các SV ở đây tham gia mới giật mình vì thấy nó vô cùng đa dạng và phong phú. Th. (quê Bắc Giang), đang học Khoa Cơ khí K48 Trường Đại học Nha Trang, một người chơi cá độ có tiếng ở đây cho biết, ngoài các kiểu bắt tỷ số, bắt kèo thì hiện nay có nhiều kiểu cá độ khác như bắt tổng số bàn thắng, bắt số lần phạt góc, số thẻ vàng, số lần ném biên…
Thông thường, mỗi trận, SV có thể đặt cược từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu. Th. còn hồ hởi cho biết: “Hôm nay là “ngày đỏ” của mình. Này nhé, như hiệp 1 trận Đức - Úc, mình “ăn” cả kèo lẫn tài xỉu”.
Khi chúng tôi hỏi “ít thua sao vẫn có nhiều SV phải nợ học phí, vay tiền nặng lãi, cắm máy tính, xe máy…?”. Th. cười: “Cá độ thì có trận thắng, trận thua. Thắng thì hôm sau lại đi chơi xả láng. Thua… lại gọi điện về nhà xin tiền. Xin vài ba lần đầu còn có cách nói dối bố mẹ ở quê, sau không nói dối được nữa thì đi vay mượn, cầm đồ…”.
Một số SV Trường Đại học Nha Trang sa lầy vào con đường cá độ bóng đá theo cách: Ban đầu chỉ ghi vài chục ngàn đồng cược tỉ số để xem cho… có không khí World Cup. Nhưng dần dà, thắng được tiền thì ham, mà thua thì muốn gỡ lại, rồi trượt dài vào cá độ bóng banh lúc nào không hay.
Chúng tôi gặp T. (quê Ninh Bình), học K49 Trường Đại học Nha Trang, đang cắm cúi đọc tờ báo thể thao. T. cho biết: Hiện giờ đang diễn ra kỳ thi cuối kỳ với gần chục môn thi, bao nhiêu sách vở, giáo trình, nhưng T. chẳng để ý được vì ban đêm thức xem đá bóng đến gần sáng mới về phòng trọ, ban ngày còn bận… ngủ và đi xoay tiền để tối “bắt độ”. Hơn 2 triệu đồng tiền học phí, T. cũng đã để “tuột” theo tay thủ môn Green của đội tuyển Anh vào… túi “nhà cái” mất rồi.
Cảnh SV lấy tiền học phí đem cá độ bóng đá không còn là chuyện quá xa lạ ở Trường Đại học Nha Trang. Nhà trường cấm thi thì đợi đến kỳ thi tới, xin tiền gia đình để đóng và thi lại!
Tuy các trận vòng chung kết World Cup mới bắt đầu nhưng có SV thua cả chục triệu đồng. Khi hỏi “lấy tiền đâu trả nợ?” thì họ cười: “Tối đi vay lãi khoảng 40%/tháng rồi gỡ lại. Lo gì, còn nhiều cơ hội mà! Tại hôm trước, Tim Ca Hill đá dở quá, chứ nếu không thì…”.
Đây cũng là tình trạng của rất nhiều SV khác: Bỏ bê học hành, thức trắng đêm đi cá độ, xem đá bóng, “đốt tiền” theo vòng quay vô tình của trái bóng…
Tình trạng cá độ này đã diễn ra công khai trong khoảng vài năm nay tại khu vực xung quanh Trường Đại học Nha Trang nhưng nhà trường và các cấp, ngành liên quan vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
ĐOÀN ĐẠI TRÍ