05:06, 18/06/2010

Nỗi niềm của những người viết báo nghiệp dư

Hiện nay, trong cả nước, lực lượng viết báo nghiệp dư rất nhiều, đủ các lứa tuổi, ngành nghề. Họ là những người thích viết báo, viết văn, làm thơ; là các nhà báo chuyên nghiệp nghỉ hưu hoặc những người đã qua trường đào tạo nghề, chưa có việc làm…

Hiện nay, trong cả nước, lực lượng viết báo nghiệp dư rất nhiều, đủ các lứa tuổi, ngành nghề. Họ là những người thích viết báo, viết văn, làm thơ; là các nhà báo chuyên nghiệp nghỉ hưu hoặc những người đã qua trường đào tạo nghề, chưa có việc làm… Lớp người cao tuổi còn coi viết báo là môn “thể thao đầu óc”. Lực lượng viết báo nghiệp dư trở thành mạng lưới cộng tác viên (CTV) rộng khắp cả nước, cộng tác với các tờ báo từ tỉnh đến Trung ương.

Hoàn cảnh, điều kiện và quá trình “tác nghiệp” của những người viết báo nghiệp dư rất đa dạng, phong phú và cũng rất… “nỗi niềm”. Những người cao tuổi, ở nông thôn, khi đi “thâm nhập thực tế” rất đơn giản. Một cuốn sổ, một chiếc bút bi và một chiếc xe đạp cà tàng. Cũng có người có máy ảnh hoặc máy ghi âm. Khi viết và hoàn chỉnh bản thảo, chỉ có số ít “khá giả” mới dùng máy vi tính; một số phải tận dụng cỗ máy chữ đã thành cổ lỗ, lỗi thời; còn phần lớn là mang bản thảo đi thuê soạn thảo vi tính và in ấn; thậm chí còn những người viết bài bằng tay. Nhìn chung, quá trình lao động của những người viết báo nghiệp dư khá nhọc nhằn, vất vả và lạc hậu. Tuy vậy, để được đăng bài, với những người viết báo nghiệp dư, còn lắm truân chuyên.

Đi lấy tư liệu, viết bài đã khó. Bài được đăng còn khó hơn nhiều. Và từ lúc bài được đăng đến lúc nhận được “thành quả” còn khó bội phần. Được các Tòa soạn báo quan tâm, thương quý, thực hiện chế độ nghiêm túc, gửi báo biếu và tiền nhuận bút kịp thời, đầy đủ, người viết thật vô cùng hạnh phúc, tăng thêm nhiệt tình, gắn bó với tờ báo mà mình cộng tác. Tuy nhiên, trên thực tế, còn không ít tờ báo - trong đó có những tờ thuộc loại “tầm cỡ”, công tác bạn đọc còn nhiều bất cập. Ví như: Bài đã in tới vài tháng vẫn chưa thấy gửi báo biếu, nhuận bút cho tác giả; có tờ không bao giờ gửi báo biếu, nhuận bút, chỉ đến khi CTV có thư hỏi mới giải quyết. Có tờ báo gửi báo biếu, nhuận bút nhưng lại ghi sai tên tác giả hoặc địa chỉ xã, thôn, dẫn đến tình trạng báo biếu thì mất, còn tiền nhuận bút thì Bưu điện không phát, phải hoàn lại Tòa soạn. Những trường hợp gửi quá muộn, hoặc không gửi, ghi sai địa chỉ…, CTV phải viết thư hỏi đi, hỏi lại tới 2 - 3 lần mới được giải quyết; có trường hợp “bặt vô âm tín”. Thậm chí, có trường hợp, Tòa soạn gửi nhuận bút nhưng ghi sai tên xã, bưu điện không phát tiền; sau 4 lần gửi thư cho các phòng ban của Tòa soạn, kết cục, người viết vẫn “mất cả chì lẫn chài” và bị… “móm” nặng! Một số người viết báo nghiệp dư tay nghề giỏi, họa hoằn có năm được đăng một đôi bài ở số báo Tết, nhuận bút cũng được dăm trăm ngàn đồng, thì bị cấn trừ thuế thu nhập cá nhân ngay ở Tòa soạn.

Tuy nhiên, hầu hết đội ngũ viết báo nghiệp dư đều lấy việc viết báo làm nguồn động viên và niềm vui trong cuộc sống chứ không nhằm làm kinh tế, nên tuy khó khăn, vất vả nhưng hầu hết không buồn. Đối với họ, hạnh phúc nhất là được thỏa mãn những đam mê, tạo ra được những “đứa con tinh thần” và được các Tòa soạn sử dụng, thế là thích lắm rồi. Thật khó mà diễn tả cái cảm giác cầm tờ báo có đăng tin, bài của mình. Đối với họ, đó là sự ghi nhận những nỗ lực của bản thân và họ cũng hiểu rằng họ được Tòa soạn thương quý, động viên kịp thời, chu đáo, góp phần gắn bó mật thiết tình cảm và sự cộng tác giữa Tòa soạn với CTV.

ANH NGUYÊN