09:06, 25/06/2010

Chấm dứt ngay bệnh “tiểu đường”!

Những năm gần đây, TP. Nha Trang được đầu tư rất nhiều để xứng đáng là điểm đến hấp dẫn và thân thiện. Bộ mặt của thành phố đã trở nên khang trang, đẹp mắt hơn. Cùng với nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan Nhà nước, nhiều người dân cũng nâng cao ý thức văn hóa trong ứng xử, giao tiếp.

Những năm gần đây, TP. Nha Trang được đầu tư rất nhiều để xứng đáng là điểm đến hấp dẫn và thân thiện. Bộ mặt của thành phố đã trở nên khang trang, đẹp mắt hơn. Cùng với nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan Nhà nước, nhiều người dân cũng nâng cao ý thức văn hóa trong ứng xử, giao tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những người thiếu ý thức; hành vi của họ đang ảnh hưởng rất nhiều đến bộ mặt của thành phố, chẳng hạn như đổ rác bừa bãi, vi phạm Luật Giao thông…, phản cảm nhất có lẽ là bệnh “tiểu đường”. Những điều tưởng chừng rất nhỏ này mà không kịp thời xử lý sẽ gây hậu quả lớn.

 Hình ảnh này không hiếm gặp trên đường phố Nha Trang.

Hiện nay, trên đường phố Nha Trang ngày càng xuất hiện nhiều điểm cho “đệ tử” bệnh “tiểu đường” “giải tỏa bức xúc” bất kỳ lúc nào mà không hề cảm thấy xấu hổ. Từ nơi vắng người trên các phố, quanh các trụ điện, các hẻm vắng, bên bờ biển, thậm chí đến tường nhà dân cũng bị họ chọn để “hành nghề”. Điều đáng nói là hành vi này không bị lên án nên ngày càng trở nên công khai. Những người mắc bệnh “tiểu đường” này đa số là các “đệ tử Lưu Linh”, họ “xả nước cứu thân” bất kỳ chỗ nào thuận tiện. Lâu thành quen nên có những chỗ măïc nhiên trở thành “tụ điểm tiểu đường”. Các điểm này bốc mùi khai đến “tê liệt khứu giác” và lâu ngày đổi màu xỉn đen. Đi qua các điểm đó, khách du lịch, người đi bộ phải bịt mũi, nín thở, bước vội!

Có thể “điểm mặt, chỉ tên” nhưng điểm trầm trọng nhất, đó là đoạn đường giữa Trần Quang Khải và Tuệ Tĩnh; góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Chánh, gần cổng ra vào Trường Tiểu học Lộc Thọ; đoạn Nguyễn Thị Minh Khai, phía đối diện Trung tâm Văn hóa, nơi có nhiều quán bia tươi; trước cổng Kho bạc (đường Hoàng Hoa Thám)… Những nơi này đều có các quán bán bia vỉa hè, chuyên bán ban đêm. Các quán bia này không có nhà vệ sinh nên khi khách uống bia “bức xúc” là đứng dậy “xả” ngay tại chỗ, chỉ cần kin kín tý chút.

Đến bao giờ mới chấm dứt nạn “tiểu đường”? Vì sao những kẻ “tiểu đường” không bị xử phạt, trong khi họ đáng phải bị trừng phạt đích đáng vì đã gây ô nhiễm môi trường, làm xấu bộ mặt của thành phố nói riêng và đất nước nói chung trong con mắt của du khách nước ngoài? Thiết nghĩ, để dẹp được vấn nạn này, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

Thứ nhất, UBND thành phố cần tăng cường xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, đặt ở những vị trí thuận lợi. Đưa hẳn vấn đề này vào quy hoạch của thành phố. Thứ hai, các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, để người dân hiểu về văn minh đô thị, về giữ gìn môi trường sạch đẹp; người lớn phải làm gương cho trẻ nhỏ. Thứ ba, UBND thành phố cần có quy định về văn minh đô thị, trong đó chú ý đến đặc trưng du lịch của thành phố, niêm yết công khai và có chế tài xử lý các hành vi làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị, bao gồm cả hành vi phóng uế ra nơi công cộng; phân công và giao trách nhiệm cho một lực lượng cụ thể. Mức xử phạt phải nặng và bảo đảm việc xử lý phải thật nhanh. Chẳng hạn, nếu bắt quả tang những kẻ phóng uế bậy, ngoài xử phạt hành chính tại chỗ, phải buộc họ tự mang nước đến tẩy rửa sạch nơi phóng uế, sau đó báo về địa phương nơi cư trú, báo cho cơ quan nơi công tác biết. Khoản tiền phạt dùng để trang trải cho những chi phí mà chính quyền thực hiện quy chế văn minh đô thị.

Thiết nghĩ, một hành vi nhỏ mà không bị xử lý nghiêm đến nơi đến chốn thì sẽ dẫn đến những hậu quả lớn hơn, lúc đó muốn khắc phục còn tốn kém và mất công rất nhiều. Do đó, ngay từ bây giờ, chính quyền cần có biện pháp mạnh; người dân cũng cần hưởng ứng tích cực để chấm dứt ngay các hành vi ảnh hưởng đến môi trường và văn minh đô thị của thành phố. Có như vậy thì khẩu hiệu “Văn minh - Thân thiện - Xanh - Sạch - Đẹp” mới có ý nghĩa.

TRẦN THỦY