Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính nước ta có khoảng gần 5,3 triệu người khuyết tật, bị khuyết tật do nhiều nguyên nhân. Nhưng rất nhiều người trong số họ đã có ý chí mãnh liệt, khát vọng vượt lên chính mình, quyết tâm làm ra của cải vật chất, nuôi sống mình và dìu dắt những người cùng cảnh ngộ vươn lên, chứng minh “tàn nhưng không phế”.
Ảnh minh họa |
Đó là chị Huỳnh Thị Sậm (sinh năm 1979), bị liệt chân tay, nhưng vẫn làm được mọi việc như người bình thường. Chỉ bằng một ngón chân cử động được, chị đã tự mày mò học vi tính và sử dụng thành thạo máy tính. Chị ham mê học vẽ, tập pha màu và vẽ được những bức tranh rất đẹp. Khi 14 tuổi, Sậm luyện được khả năng viết chữ bằng chân thì cha mất vì bạo bệnh. Đau thương tột cùng ấy đã biến thành sức mạnh tinh thần phi thường để giúp Sậm học xong chương trình lớp 1 chỉ trong 1 năm. Lên cấp 2, Sậm phải tự chèo thuyền đi học. Cấp 3 lại phải trọ học vì trường xa nhà 15km, ăn uống kham khổ, quanh năm hầu như chỉ có “cơm khô quẹt”. Có lúc nản chí, Sậm đã toan bỏ học và muốn tìm đến cái chết để bản thân và gia đình đỡ khổ. Nhưng nghĩ đến lời trăng trối của người cha: “Mọi sự giúp đỡ đều có giới hạn và không bền vững. Con phải tự giúp mình thôi, sống là chiến đấu!”. Lời trăng trối của người cha trước lúc lâm chung đã truyền cho Sậm nghị lực, sức mạnh để không cho phép mình gục ngã. Sậm đã tốt nghiệp trung học phổ thông trong niềm kiêu hãnh của người mẹ già, của gia đình, bà con và chính bản thân em. Rồi Sậm tự học thêm vi tính và trở thành cán bộ làm công tác thư viện. Ước mơ cháy bỏng mà Sậm đang gắng thực hiện với một nghị lực và quyết tâm cao là thi đậu Đại học Mỹ thuật để trở thành họa sĩ.
Chị Võ Trúc Duyên (Cần Thơ) cũng là một tấm gương kỳ diệu. Sau một tai nạn hi hữu lúc nhỏ, suốt 15 năm, Duyên nằm gần như bất động, trên mỗi bàn tay chỉ còn 2 ngón cử động được. Duyên đã học vi tính và kết nối với bạn bè bốn phương qua Internet. Rồi Duyên tự tìm việc làm để có thêm thu nhập và tập làm được nhiều việc khác. Duyên cùng các bạn góp vốn, mở cửa hàng bán máy nghe nhạc bỏ túi. Có được ít vốn, Duyên lập nhóm chuyên thiết kế, vẽ và in trên chất liệu vải cho tất cả sản phẩm: áo, túi xách, cặp chất lượng cao nhưng với giá rẻ. Cửa hàng của Duyên bán chạy, nhiều người biết tiếng đến đặt hàng. Không đi được bằng đôi chân, Duyên du lịch qua mạng để làm giàu vốn hiểu biết của mình, tự học để không ngừng vươn lên. Cường độ làm việc mười mấy giờ mỗi ngày của Duyên khiến người khỏe mạnh cũng phải nể phục. Duyên thổ lộ: “Mỗi người một số phận. Hãy biết cách chấp nhận, đừng mặc cảm. Nếu có điều kiện, em mong mọi người quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn như em, tạo điều kiện, cơ hội cho chúng em vào đời. Không có đôi chân nhưng chúng em có trái tim biết yêu thương, rung cảm, khao khát sống có ích, không muốn mình là gánh nặng cho xã hội”.
Ông Đoàn Nghiêu (Tam Kỳ - Quảng Nam), năm lên 3 tuổi thì mẹ mất, 15 tuổi đạp phải mìn chiến tranh khiến 2 mắt mù lòa, 19 tuổi thì cha lại qua đời. Ông được cô hàng xóm thương yêu rồi nên vợ nên chồng. Sinh con ra, người con phải dắt ông đi bán đũa dạo kiếm ăn qua ngày. Trăn trở suy nghĩ, rồi ông quyết định vay mượn tiền mua máy làm đũa, tự mày mò chế tạo, cải tiến máy. Dần dà, ông trở thành triệu phú sản xuất đũa. Không những thế, ông còn tạo việc làm ổn định, đem lại thu nhập cho hàng trăm hội viên. Hai con của ông đều chăm ngoan, học hành giỏi giang.
Để giúp NKT vươn lên, nhiều cá nhân, cơ sở, địa phương có những việc làm thiết thực. Ông Nguyễn Trung Chất (Hưng Yên) đã bỏ tiền mở 2 trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH) ngoài công lập để đưa các cháu khuyết tật vào đào tạo nghề và tổ chức cuộc sống. Khánh Hòa cũng đã có một số cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật như: Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ khuyết tật; TTBTXH; Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Ninh Hòa; Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục đặc biệt… Hiện nay, tại Nha Trang có Trường Mầm non tư thục Tuệ Phước (đường Cửu Long) chuyên dạy trẻ khuyết tật, Trường Mầm non tư thục “Thế giới trẻ em” (số 10 đường Bãi Dương) tổ chức chăm sóc 8 trẻ khuyết tật hòa nhập cùng các trẻ bình thường… Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều văn bản, chính sách quan tâm tới đời sống, việc làm cho NKT. Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng có những dự án giúp đỡ NKT. Một số TTBTXH công lập của địa phương và các TTBTXH ngoài công lập của các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm… đã được thành lập, góp phần giúp NKT hòa nhập cộng đồng, xóa dần mặc cảm tự ti và vươn lên trong cuộc sống.
Kỷ niệm ngày khuyết tật Việt Nam, hãy tiếp tục bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ, đùm bọc, yêu thương NKT bằng những hành động cụ thể để góp thêm nguồn vật chất, sự động viên tinh thần nhằm làm dịu bớt bất hạnh của những người kém may mắn hơn mình.
Nhà giáo Ưu tú NGUYỄN HUY THÔNG