Suốt cả tháng nay, khi ngành Giáo dục và Đào tạo “rục rịch” chuyện tư vấn mùa thi thì hầu như ngày nào, chị bạn cùng phòng cũng “đưa” chúng tôi vào câu chuyện chọn trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Chuyện là con út của chị đang học lớp 12, hồ sơ tuyển sinh thì đã mua đến mấy bộ nhưng việc chọn trường nào thì chưa quyết định được.
Suốt cả tháng nay, khi ngành Giáo dục và Đào tạo “rục rịch” chuyện tư vấn mùa thi thì hầu như ngày nào, chị bạn cùng phòng cũng “đưa” chúng tôi vào câu chuyện chọn trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Chuyện là con út của chị đang học lớp 12, hồ sơ tuyển sinh thì đã mua đến mấy bộ nhưng việc chọn trường nào thì chưa quyết định được. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp như thế. Hàng năm, cứ vào dịp này, việc đăng ký dự thi trường ĐH, CĐ nào luôn là câu hỏi lớn của các em học sinh và gia đình, nhất là khi cơ hội trúng tuyển vào một trường ĐH, CĐ vừa ý ngày càng chặt lại. Lời khuyên chọn trường, chọn ngành… ra sao có khi quyết định cả cuộc đời của các cháu sau này.
Buổi tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Quốc Tế (TP. Hồ Chí Minh) tại Trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng (Nha Trang). |
Cơ quan tôi toàn người lớn tuổi nên năm nào cũng có vài ba cháu thi vào ĐH, và cũng có lắm chuyện “dở khóc, dở cười” vì lời khuyên “sai đường” của người lớn. Mấy năm trước, khi công nghệ thông tin đang “cực nóng”, anh trưởng phòng chỗ tôi làm kiên quyết “lùa” con mình vào ngành này, không đủ điểm “lọt cửa” ĐH Bách khoa thì đăng ký học trường dân lập. Tốt nghiệp ra trường, chạy quanh các công ty ở thành phố vài năm không ăn thua gì, cháu ghi tên học chứng chỉ sư phạm và về quê xin tuyển dụng làm giáo viên tin học. Cũng có cháu học giỏi, chỉ thích làm cô giáo môn Toán nhưng bố mẹ lại “hướng” vào ngành tài chính - ngân hàng. Ra trường, cháu không sao thích nghi nổi với môi trường làm việc căng thẳng, cứ luôn so sánh với bạn bè cũ nay dạy học ở các trường trung học phổ thông ở thành phố, thu nhập cũng không kém cạnh gì, lại có bằng thạc sĩ và chuẩn bị thi nghiên cứu sinh tiến sĩ theo con đường bao cấp hoàn toàn của Nhà nước. Cũng có cháu được gia đình tư vấn từ khi đang học trung học cơ sở, hết y - dược, bách khoa rồi luật, kinh tế - tài chính… bất kể sức học và nguyện vọng của con mình ra sao, rốt cuộc không đủ điểm vào CĐ, năm nay thi lại lần 2 mà vẫn phập phồng!
Lâu nay, dựa vào điểm chuẩn trúng tuyển mà xã hội đã tự xếp hạng các trường ĐH theo các “tốp” đầu, “tốp” giữa, “tốp” cuối và thí sinh tự lượng sức mình để đăng ký dự thi. Có điều, danh sách các “tốp” cũng thay đổi theo thời gian và có khi nhiều ngành của trường “tốp” đầu chỉ ngang điểm trường “tốp” giữa (hoặc ngược lại); trong khi chọn ngành còn quan trọng hơn cả chọn trường. Nhiều người cẩn thận phân tích điểm chuẩn ĐH theo từng năm rất kỹ mà vẫn “trật” vì không ai kiểm soát được số lượng và chất lượng thí sinh đăng ký mỗi năm. Nhiều gia đình thức thời hơn lại chọn trường theo xu hướng phát triển của thị trường lao động đang “hút” nhân lực đã qua đào tạo hiện nay (như tài chính, ngân hàng, xây dựng, công nghệ vật liệu mới, tự động hóa…), nhưng cũng không ai dám chắc 4 - 5 năm sau sẽ thay đổi ra sao. Ổn định và ít bị tác động bởi kinh tế thị trường như ngành Giáo dục cũng thay đổi xoành xoạch, năm trước thiếu giáo viên trầm trọng, tuyển dụng cả người ngoài tỉnh mới đủ, thì năm sau lại “kín” chỗ, sinh viên mới ra trường đành thất nghiệp, không kiếm được việc làm phù hợp với tấm bằng tốt nghiệp sư phạm của mình.
Những thầy cô giáo đã từng dạy học lâu năm nói rằng chỉ có năng lực học sinh mới quyết định tất cả. Những em học giỏi, lại biết ôn tập bài bản thì cơ hội thi đỗ các trường thuộc “tốp” nào cũng lớn. Những em học lực từ loại khá trở xuống thì phải “liệu cơm, gắp mắm”, tham khảo tỷ lệ “chọi” của mấy năm trước đó để chọn trường thi cho phù hợp. Riêng những em lâu nay sức học chỉ ở mức trung bình thì nên đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ ở tỉnh và khu vực miền Trung, điểm chuẩn nhiều năm nay tương đối “mềm”, lại đỡ tốn kém, vất vả đi lại trong mùa thi cử. Còn những em “nhẹ cân” hơn nên nghĩ tới các trường trung cấp chuyên nghiệp và các trường nghề vì ĐH, CĐ đâu chỉ là con đường vào đời duy nhất!
Trở lại câu chuyện “thời sự” của chị bạn cùng phòng, tôi chỉ có 1 lời khuyên: hãy định hướng cho cháu chọn trường vừa sức và phù hợp với sở thích, nguyện vọng của cháu. Không gì mệt mỏi bằng việc phải làm một công việc miễn cưỡng, trái với tính cách, lối sống của mình. Và điều quan trọng nhất lúc này là chị cần chăm lo sức khỏe cho cháu, không gây áp lực căng thẳng ngay từ chuyện tư vấn chọn trường để cháu thêm tự tin, minh mẫn chuẩn bị bước vào trường thi.
ĐỖ THỊ HÀ