Tuy chưa đến ngày diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 16 nhưng ngay từ bây giờ cũng có thể khẳng định, Khánh Hòa không thể hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15...
Tuy chưa đến ngày diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 16 nhưng ngay từ bây giờ cũng có thể khẳng định, Khánh Hòa (KH) không thể hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học (PCGDTH) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2005 - 2010) đã đề ra, bởi lẽ cho đến nay, chưa hề có đơn vị nào trong số 137 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đạt chuẩn! Vì sao việc triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu này lại khó khăn đến thế?
Những lớp học tình thương như thế này góp phần vào việc phổ cập giáo dục. Ảnh minh họa |
Một trong các tiêu chí để đơn vị cơ sở xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGDTH là “Huy động được 95% trở lên số đối tượng phổ cập đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào học trung học phổ thông (THPT), bổ túc THPT, trung học chuyên nghiệp (THCN) và dạy nghề; trong đó có ít nhất 15% vào học các trường dạy nghề và 15% trở lên vào học các trường THCN”. Nhưng tính trong 3 năm gần đây, khi giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề đã bắt đầu có chuyển biến thì tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề và THCN ở KH vẫn còn rất khiêm tốn (năm học 2007 - 2008: 4,9%; 2008 - 2009: 12%; 2009 - 2010: 8,9%). Điều này cho thấy việc phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để bàn các biện pháp “phân luồng” HS sau THCS chưa tích cực, đồng bộ nên mỗi năm học đều có xấp xỉ 90% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tiếp lên cấp 3 bằng hình thức phổ thông hay bổ túc văn hóa. “Lỗi” này có phần thuộc về công tác giáo dục hướng nghiệp của ngành GD-ĐT còn nhiều hạn chế, tâm lý xã hội vẫn nặng về “khoa bảng”, nhưng cũng có lý do khách quan là mạng lưới trường nghề và trường THCN ở KH chưa thể đáp ứng được yêu cầu này nếu như HS ở từng địa phương thật sự có nhu cầu đi học. Tiêu chí “bảo đảm tỷ lệ HS THPT tốt nghiệp hàng năm từ 85% trở lên” có vẻ không mấy khó khăn nhưng KH cũng chưa đạt. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau như trên “Diễn đàn Giáo dục” của Báo KH đã từng đề cập. Khi các tiêu chí trên không thực hiện được thì tiêu chí “bảo đảm tỷ lệ thanh thiếu niên độ tuổi từ 18 đến 21 có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT hoặc bằng tốt nghiệp THCN từ 75% trở lên và ít nhất 10% trở lên có bằng tốt nghiệp đào tạo nghề” cũng không thể “chạm” tới!
Tuy chưa vượt qua được cấp xã, phường nhưng cũng cần nói thêm rằng để một đơn vị huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDTH thì phải đạt nhiều tiêu chí khác nữa, trong đó có tiêu chí “cóù ít nhất 50% trở lên số trường tiểu học, 40% trở lên số trường THCS, có ít nhất 2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, có 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên”. Thực tế, xét về trường chuẩn, đến nay, trên phạm vi toàn tỉnh mới có 21,4% trường tiểu học, 24% trường THCS và 24,2% trường THPT đạt chuẩn; còn nếu tính theo đơn vị huyện thì chỉ có Diên Khánh đạt tiêu chí về trường chuẩn THCS, Nha Trang và Cam Ranh đạt tiêu chí về trường chuẩn THPT; các huyện khác chưa đạt được tiêu chí nào. Cũng cần biết rằng, tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn của tỉnh thấp, không chỉ do quỹ đất/HS thiếu mà còn vì ở nhiều trường THCS và THPT, tỷ lệ HS bỏ học và xếp loại văn hóa yếu kém đều vượt “trần” quy định của Bộ GD-ĐT. Về tiêu chí có Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, đến nay, chỉ Nha Trang và Ninh Hòa có mà thôi!
Khá nhiều ý kiến cho rằng các tiêu chí về PCGDTH của Bộ GD-ĐT không phù hợp với thực tế và đã nhiều lần kiến nghị nhưng Bộ vẫn không thay đổi, bởi Bộ có những cơ sở khoa học để kiên định. Thử hỏi, nếu PCGDTH chỉ căn cứ vào tỷ lệ huy động người đi học mà không quan tâm đến các điều kiện đảm bảo chất lượng ổn định lâu dài (trường đạt chuẩn chính là tiêu chí có tính chất tổng hợp vì bao hàm cả chuẩn giáo viên, chuẩn cơ sở vật chất và chuẩn về hiệu quả đào tạo HS), không quan tâm hệ thống giáo dục kỹ thuật - hướng nghiệp, không quan tâm “phân luồng” HS sau THCS để chuẩn bị nguồn nhân lực thì kết quả đạt chuẩn chỉ là phiến diện và rất dễ lặp lại hiện tượng “năm được, năm mất” như khi tiến hành PCGD THCS tại các huyện miền núi KH.
Không thể chủ quan, nóng vội trong thực hiện PCGDTH nhưng đây cũng không phải việc quá tầm hoặc quá xa vời! Xét cho cùng, việc hoàn thành PCGDTH có chất lượng sẽ là cơ sở đảm bảo tính bền vững để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội khác ở địa phương, bởi nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất. Tuy vậy, PCGD nói chung và PCGDTH nói riêng không chỉ đơn thuần là vấn đề GD mà còn là vấn đề xã hội, cần có sự quan tâm thiết thực, thường xuyên của toàn xã hội để cùng giải quyết từng vấn đề cụ thể. Nếu không, PCGDTH mãi là mục tiêu ngoài tầm tay!
TRẦN NGỌC