“Đến hẹn lại lên”, đến dịp Tết là giá cả lại “nhảy múa”. Ngày Tết, nhu cầu mua sắm cao nên giá cả tăng là chuyện bình thường. Người dân vui vẻ chấp nhận, vì dù sao cũng là Tết...
“Đến hẹn lại lên”, đến dịp Tết là giá cả lại “nhảy múa”. Ngày Tết, nhu cầu mua sắm cao nên giá cả tăng là chuyện bình thường. Người dân vui vẻ chấp nhận, vì dù sao cũng là Tết. Nhưng khi những ngày đầu năm đã trôi qua, giá trở về như mức cũ hay không là trăn trở của nhiều người dân, bởi nếu giá tăng mà thu nhập vẫn vậy thì đồng nghĩa với túi tiền của họ tự nhiên lại vơi đi…
Hôm mùng 6 Tết, tôi có việc phải vào TP. Hồ Chí Minh. Do có việc đột xuất không mua được vé tàu nên tôi đành phải ra ngã ba Thành đón xe. Thấy xe nào cũng đông khách nên tôi chần chừ nhưng cuối cùng thì cũng lên được xe chất lượng cao. Tuy đã cẩn thận hỏi trước giá chỉ 200 nghìn đồng (đã cao hơn bình thường khá nhiều) nhưng đến khi tôi lên xe vẫn bị nhà xe thu đến 250 nghìn đồng với lý do tôi vào bến, nếu chỉ đến ngoại thành thì mới có giá như vậy. Anh lơ xe còn nháy mắt: “Thông cảm nha anh, Tết mà!”. Tuy bực mình nhưng tôi cũng phải “bấm bụng” trả tiền vì chẳng còn cách nào khác. Chuyện đi xe trong dịp Tết bị tăng giá, “chặt chém” cũng là chuyện thường nhưng điều tôi muốn nói là hình như cái gì người ta cũng tăng giá trong dịp Tết, cho dù đó là những mặt hàng vẫn đầy rẫy, chẳng hề khan hiếm. Chẳng hạn, giá gửi xe ở mấy chỗ vui chơi, thuốc lá, kẹo cao su… tăng 2 - 3 nghìn đồng là bình thường. Còn các mặt hàng thực phẩm ngoài chợ như thịt, cá, rau củ… tất tần tật cũng tăng hơn bình thường. Thịt bò, cá tươi… tăng từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, nhiều mặt hàng như hải sản tươi tăng nhiều hơn, từ 30 - 50 nghìn đồng/kg. Thậm chí, những hàng đồ khô vốn được tích trữ từ lâu, nhân dịp này cũng tăng giá theo, nếu có thắc mắc thì nhận được câu trả lời là “Tết nên cái gì cũng lên”. Điều này kéo theo đồ ăn, thức uống tại các hàng quán cũng tăng. Hầu như các quán ăn đều tăng giá vì hàng từ chợ tăng nên phải tăng theo. Giá cả các dịch vụ cũng tăng. Nhiều khách sạn nhỏ lẻ lợi dụng dịp khách du lịch đổ về Nha Trang trong các ngày Tết cũng âm thầm tăng giá phòng dù vẫn niêm yết giá theo quy định của UBND tỉnh. Gia đình bạn tôi đến Nha Trang vào mùng 6 Tết, tuy đã đặt phòng từ trước nhưng khi đến nơi, khách sạn báo hết phòng, họ phải chấp nhận trả thêm 120 nghìn đồng để lấy phòng.
Tuy nhiên, nếu so sánh với dịp tăng giá đến 20% hồi Tết năm 2007 thì việc tăng giá trong dịp Tết vừa qua ở Nha Trang không cao bằng, chủ yếu nhích hơn bình thường chút đỉnh. Việc các mặt hàng tăng giá trước và sau Tết gần như là quy luật, năm nào cũng vậy nên người tiêu dùng phải chấp nhận và hy vọng là sau dịp Tết các mặt hàng sẽ quay trở về với mức giá cũ. Tuy nhiên, nếu nhà nhà tăng giá, người người tăng giá như thế này thì chắc chắn giá cả sẽ không thể xuống nếu không có biện pháp điều tiết ở tầm vĩ mô của Nhà nước. Trong lúc lương và thu nhập không tăng mà thứ gì cũng không chịu xuống giá thì người dân có thu nhập trung bình và thấp sẽ rất khó khăn vì điều đó tương đương với thu nhập của họ bị sút giảm.
Tuy nhiên, mới đây nhất, mặt hàng xăng dầu cũng lên giá. Bởi vì xăng dầu là mặt hàng chiến lược và có ảnh hưởng rất lớn đến giá cả của nhiều mặt hàng khác nên việc tăng giá cần phải lựa chọn lúc thích hợp. Vẫn biết giá xăng dầu lên phụ thuộc vào tình hình thế giới, Chính phủ không còn quản lý chặt giá xăng như trước mà để cho các doanh nghiệp chủ động, nhưng tăng trong lúc các mặt hàng còn chưa bình ổn sau Tết thế này thì để kéo giá quay trở lại là rất khó khăn.
Sau những ngày Tết vui vẻ, mọi người đã quay lại làm việc và hy vọng giá cả sẽ trở lại như bình thường. Như vợ chồng tôi, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống, nếu giá cứ tăng mà không chịu xuống thì chỉ biết dè sẻn hơn mà thôi. Vì thế, chúng tôi rất mong các cơ quan, chính quyền sớm có biện pháp bình ổn giá. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước sẽ có những biện pháp bình ổn giá hay có chính sách kích thích sản xuất…, nhưng đối với các mặt hàng không phải là quá thiếu nhưng người bán cố tình tăng giá để kiếm lời thì phải có biện pháp chấn chỉnh, nhất là cơ quan Quản lý thị trường nên thường xuyên kiểm tra và xử phạt thật nặng đối với các hành vi trên. Nếu triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thì mới sớm hy vọng bình ổn giá thành công, giúp cho người dân bớt khó khăn trong cuộc sống.
THU THỦY