Bạo lực gia đình đã và đang xảy ra từng ngày, từng giờ trong cuộc sống. Nhiều người phải ngậm ngùi chấp nhận sống với nạn bạo lực trong suốt thời gian dài vì không tìm ra lối thoát cho chính bản thân mình.
Bạo lực gia đình (BLGĐ) đã và đang xảy ra từng ngày, từng giờ trong cuộc sống. Nhiều người phải ngậm ngùi chấp nhận sống với nạn bạo lực trong suốt thời gian dài vì không tìm ra lối thoát cho chính bản thân mình. Hiện nay, tình trạng BLGĐ vẫn còn với nhiều nhức nhối, chua xót…
Khi bị bạo hành, nhiều phụ nữ không dám tố cáo chồng vì nhiều lý do (Ảnh minh họa) |
Đó là câu chuyện của một phụ nữ trú tại đường Yersin, phường Phương Sài (TP. Nha Trang) bị chồng bạo hành một thời gian dài. Chị T.K.T quê ở Quảng Nam. Năm 2001, chị kết hôn với anh D.T.K là phóng viên của một tờ báo. Sau thời gian chung sống, anh chị có một cháu trai kháu khỉnh. Do không có nhà riêng, vợ chồng chị phải sống chung với gia đình chồng. Thời gian đầu, cuộc sống hôn nhân của chị T. trôi qua khá êm đềm, giữa vợ chồng ít xảy ra mâu thuẫn. Nhưng từ năm 2007, chồng chị T. bắt đầu có nhân tình và sống chung như vợ chồng với người đó. Biết chồng có nhân tình nhưng vì đứa con, chị T. đã nhiều lần khuyên bảo chồng hãy nghĩ tới mẹ con chị. Chồng chị T. không những không nghe lời khuyên ngăn của vợ mà còn công khai quan hệ, dẫn cô nhân tình đi giới thiệu với bạn bè… Có lần, chị bắt được quả tang chồng cùng cô nhân tình “tình tứ” ở nhà trọ, thế là về nhà, anh K. cho chị T. một trận đòn “dằn mặt nhớ đời”. Có lần chị phải đi viện vì những trận đòn của chồng. Không dừng lại ở đó, nhân tình của chồng chị còn thường xuyên nhắn những tin nhắn vô văn hóa để sỉ nhục và khủng bố tinh thần chị. Vì con trai, chị T. không đành lòng đem vụ việc ra giải quyết theo pháp luật và phải “cắn răng chịu đau”, nhẫn nhục để duy trì cuộc sống bình yên của gia đình và giữ thể diện với hàng xóm. Nhưng chị càng nhẫn nhục thì chồng chị càng lấn tới. Đã nhiều lần anh K. công khai đánh chị trước mặt những người hàng xóm, nhưng chẳng ai can thiệp vì coi đó là chuyện riêng của gia đình chị.
Chịu hết nổi, chị đưa đơn ra Tòa xin ly hôn và tố cáo hành vi ngược đãi của chồng đến cơ quan chức năng, nhưng khi được yêu cầu cung cấp bằng chứng những lần bị chồng ngược đãi, chị T. lại không có, vì mỗi lần bị chồng ngược đãi, chị đều âm thầm giấu kín.
Đây là một trường hợp điển hình trong muôn vàn cảnh BLGĐ đã và đang xảy ra từng giờ, từng ngày trong xã hội. Thực tế hiện nay, tình trạng BLGĐ vẫn còn là “chuyện nội bộ”, chuyện riêng của mỗi gia đình. Khi bị bạo hành, vì nhiều lý do khác nhau nhiều nạn nhân không muốn tìm đến các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. Chỉ khi họ bị đánh đập tàn nhẫn hay bị tổn thương lớn về tinh thần cũng như thể xác đến mức không chịu đựng nổi thì mới đến các đoàn thể, cơ quan chức năng như Công an, Hội Phụ nữ để cầu cứu, giải quyết. Vì vậy, các nạn nhân đã vô tình gây ra trở ngại cho việc phát hiện, ngăn ngừa, giáo dục các đối tượng BLGĐ cũng như cản trở việc xác định mức độ thiệt hại mà BLGĐ gây ra để pháp luật kịp thời răn đe, trừng trị.
TRẦN TÍN