10:03, 07/03/2010

Để ngày nào cũng là 8-3!

Xưa nay, khi nói về phụ nữ, quan niệm của người Á Đông luôn cho là người quán xuyến gia đình, phải biết “tề gia”, nội trợ, cho dù người ấy thành công ngoài xã hội đến đâu...

Xưa nay, khi nói về phụ nữ, quan niệm của người Á Đông luôn cho là người quán xuyến gia đình, phải biết “tề gia”, nội trợ, cho dù người ấy thành công ngoài xã hội đến đâu. Kiểu phụ nữ Việt Nam điển hình là: hy sinh, nhường nhịn, đảm đang, hết lòng hết sức phục vụ chồng con… Hay nói cách khác, vai trò của người đàn ông là lo việc lớn; việc nhỏ nhặt là chuyện đàn bà!

Hồng đại, được ghép từ 10 bông hồng nhỏ, có giá 70-100 ngàn đồng/giỏ.
Quà tặng ngày 8-3. Ảnh minh họa

Vậy, “đàn ông làm việc gì ở nhà?” - Đó là câu hỏi đặt ra trên một diễn đàn về gia đình. Có 49 thành viên tham gia, trong đó có 3 thành viên nam.

Điều thật bất ngờ và khá lý thú là chỉ có 10 ý kiến than phiền rằng ông xã về nhà chẳng làm gì, hết ôm máy tính lại dán mắt vào ti vi, đến giờ ăn là ra ăn, ngồi vào bàn, thiếu cái bát, cái đũa, trái ớt… cũng kêu vợ lấy! Trong khi đó, có đến 28 ý kiến đã trả lời theo thực tế của gia đình mình là: ông xã cũng làm hết thảy việc trong gia đình, từ nấu cơm, rửa bát, lau nhà, phơi quần áo, tắm và pha sữa cho con, dạy con học… 

Vài ý kiến điển hình như sau:

“Ông xã nhà tớ đang làm các việc: tắm cho hai con, đánh răng cho hai con trước khi đi ngủ, rửa bát buổi tối, thỉnh thoảng phơi quần áo hộ, ngày nghỉ thì chơi với con”.

“Nhà tớ hai vợ chồng son, chưa có con, tớ đi làm sớm và về muộn. Nếu cuối tuần tớ không đi chợ mua thức ăn dự trữ cho một tuần thì ông xã đi chợ, nấu cơm, tớ rửa bát. Quần áo thường là tớ giặt, ông xã phơi, hôm nào tớ mệt thì nhờ ông xã giặt. Lau nhà thì tùy, lúc tớ làm, lúc ông xã”.

“Em ở nhà, không đi làm. Chồng đi làm đến 19 giờ 30 về. Em có nhiệm vụ hàng ngày là nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, tối chồng về ăn xong rồi rửa bát chén. Từ đó cho đến lúc đi ngủ là việc của chồng, chẳng hạn: pha trà, lấy hoa quả, dọn chăn gối… Về việc nhà, bọn em thoáng lắm, ai tiện thì làm, chả tị nạnh bao giờ, mà cả hai cùng lười, bẩn tí cũng không sao!”.

“Chồng tớ sẵn sàng làm mọi việc. Vợ đi chợ nấu cơm, rửa bát, chăm con. Riêng dọn nhà (3 tầng) chồng đảm trách, cả nhà vệ sinh nữa. Vợ giặt quần áo thì chồng phơi, thu quần áo và gấp. Vợ mệt, chồng nấu cơm, rửa bát luôn. Cái gì vợ làm được thì làm, không làm được thì chồng làm. Nói chung chồng tớ thuộc tuýp chiều vợ”.

“Trước khi có con, chồng tớ chẳng làm gì ngoài việc ăn và ngủ. Từ khi có con, chồng tớ được phân công rửa bát, lau nhà và phơi quần áo”. 

“Trước khi cưới mình chỉ yêu cầu chồng hai việc thôi là “lương đưa đủ, tối ngủ nhà”. Cưới rồi, hơn cả mong đợi. Tớ giặt quần áo thì chồng ủi; ăn xong, chồng rửa chén, lau nhà… Chồng còn hứa hẹn sau này có con sẽ trông con nữa. Nói chung, chồng tớ trên cả tuyệt vời!”.

Đó là ý kiến của các bà vợ. Riêng 3 đấng mày râu tham gia diễn đàn thì càng tuyệt vời hơn nữa:

“Nhà tớ phân chia công việc khoảng 50/50. Ví dụ, vợ nấu cơm thì chồng rửa bát, hay ngược lại. Tất nhiên, hôm nào ai có việc bận, hoặc kỷ niệm ngày gì của người này thì người kia làm hết. Quần áo cho vào máy giặt, tớ phơi. Việc quét nhà, lau nhà thì tớ thường tranh vì thấy việc này cũng nặng phết, nhiều việc thấy thuận tay, thuận mắt thì làm, không cần phân chia”.

“Ở nhà, mình làm tất thảy mọi việc vợ sai bảo. Thú thật mình cũng hơi lười, nhưng nịnh vợ một chút được nhiều lắm các bác ạ!”.

“Mình thích nấu ăn nên thường đảm nhiệm chức “hỏa đầu quân”. Thật ra, việc nhà chẳng có gì là ghê gớm nếu không nói là chuyện nhỏ, chuyện vặt, cánh đàn ông mình làm loáng tí là xong ngay ấy mà!”.

Với những ý kiến than phiền các đấng ông chồng chẳng rớ tay vào việc nhà, các thành viên cũng tham gia góp ý rất rôm rả.

“Chồng thế nào mình cứ tạm thời chấp nhận đi rồi “cải tạo” dần dần. Đừng kỳ vọng quá, đến khi nhờ ông ý không làm giúp thì lại ấm ức! Ông xã nhà tớ vốn chẳng thích động tay động chân vào việc nhà nhưng được cái thương vợ nên tớ khai thác triệt để. Gần đây, thỉnh thoảng tớ cố tình nhờ một số việc mà thật ra tớ cũng làm được như là bê chậu quần áo to lên gác để tớ phơi, hay là xách xô nước để tớ lau nhà để ông ý biết chia sẻ với vợ. Đàn ông ngại bị sai bảo, nhưng mình sai họ cũng làm. Sắp có baby rồi sẽ còn phải cần đến sự chia sẻ của chồng nhiều hơn”.

“Em rút kinh nghiệm rồi, đàn ông lười là do chị em chúng mình chiều chuộng quá. Phương châm của em là nên đáp ứng 60% các yêu cầu của chồng thôi. Nếu chồng không hoàn thành nhiệm vụ, hay hoàn thành không vừa ý mình thì không cằn nhằn mà nên nhẹ nhàng “dạy bảo”! Còn nữa, khi chồng làm xong việc gì thì phải khen liền!”.

Như vậy, xem ra quan niệm xưa đã bị lỗi thời. Phải chăng đây là dấu hiệu đáng mừng “để 365 ngày luôn là 8-3”?

TÂM AN