06:01, 28/01/2010

Lợi ích của doanh nghiệp phải “đồng hành” với lợi ích của người tiêu dùng

Trong xu hướng nền kinh tế mở cửa hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh tự do đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Trong xu hướng nền kinh tế mở cửa hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh tự do đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Vì thế, sau một chặng đường dài phát triển, đến giai đoạn hội nhập thì phần lớn các DN mới “ngoảnh nhìn lại” và hốt hoảng nhận ra rằng đã một thời gian dài chỉ chú trọng đến thị trường ngoại mà vô tình lãng quên người tiêu dùng (NTD) trong nước.

Trong giai đoạn hiện nay, các DN trong và ngoài nước có một sự công bằng như nhau: cùng cạnh tranh tự do và lành mạnh trên các lĩnh vực thị trường. Do đó, sự cạnh tranh gay gắt có thể quyết định đến sự thành, bại của các DN.

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, để cùng DN trong nước vượt qua khó khăn, tiến đến hội nhập với nền kinh tế thế giới, mở ra những cơ hội phát triển mới, thì NTD Việt Nam có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng và ý nghĩa với các DN. Ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, việc mở rộng thị trường trong nước là một việc làm hết sức cần thiết. Trong hoàn cảnh hiện nay thì một thực tế là hàng ngoại nhập đang lấn sân hàng nội; chúng ta không thể phủ nhận điều này.

Nhưng làm thế nào để NTD có nhu cầu và thói quen sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước? Trả lời câu hỏi dó, cần  phải hội đủ nhiều yếu tố khác nhau như: Nghệ thuật bán hàng, mở rộng các đại lý phân phối bán lẻ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu… Nếu các DN muốn chiếm lĩnh được lòng tin cũng như sự ủng hộ của NTD thì trước tiên các DN phải “đồng hành lợi ích” cùng với NTD. Muốn thế, sản phẩm sản xuất ra phải đáp ứng được về chất lượng, mẫu mã, giá phải chăng… NTD không thể bỏ tiền ra mua một sản phẩm cùng loại với sản phẩm ngoại có giá cao hơn mà chất lượng bằng hoặc kém hơn, bởi NTD không thể hy sinh vì lợi ích của DN. Phải xác định rõ ràng trong cuộc vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thì các DN phải đóng vai trò chủ đạo.  Sự hài lòng và tin tưởng đối với sản phẩm từ phía NTD là yếu tố quan trọng giúp DN trong nước tồn tại và phát triển. Nếu các DN sản xuất ra mặt hàng có chất lượng, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu cũng như thị hiếu của NTD thì NTD sẽ không bao giờ quay mặt với sản phẩm “made in Việt Nam”.

Thực tế đã cho thấy, trong một thời gian dài, các DN Việt Nam chỉ chú trọng đến xuất khẩu hàng sang nước ngoài mà quên mất thị trường tiêu thụ rộng lớn trong nước. Đều này cũng dễ dàng giải thích cho việc đại đa số NTD có “thói quen” sử dụng sản phẩm ngoại nhập. Nhưng không phải vì thế mà các sản phẩm “made in Việt Nam” có chất lượng kém. Thực tế, sản lượng xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang thị trường nước ngoài không nhỏ. Điều này chứng tỏ hàng Việt Nam có chất lượng rất tốt. Nhưng tại sao NTD trong nước lại không mặn mà với những sản phẩm của các DN trong nước? Trong một thời gian dài, các DN đã đối xử không công bằng với NTD nội địa, chẳng hạn: chỉ chú trọng xuất khẩu, khi hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài bị trả lại do lỗi kỹ thuật… thì các DN mới quay trở lại bán cho NTD trong nước - đây chính là một trong nhiều lý do khiến NTD quay lưng với hàng Việt Nam, bởi không ai muốn bỏ tiền ra mua những sản phẩm kém chất lượng.

Vì thế, để thay đổi “thói quen” sử dụng hàng ngoại cũng như cách nhìn nhận của NTD về hàng Việt Nam thì DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, điều hòa giá cả phù hợp, không ngừng quảng bá thương hiệu, đưa lợi ích của NTD lên hàng đầu…, từ đó tạo lòng tin, hình thành thói quen dùng hàng Việt của NTD.

HỒNG TRÀ
(Phước Long - Nha Trang)