04:01, 29/01/2010

Hàng Việt sao phải dán nhãn mác nước ngoài?

Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ bước chân vào những cửa hàng thời trang cao cấp, bởi những nơi đó bán hàng giá rất cao so với một người chỉ thu nhập vài triệu đồng/tháng như tôi. Nhưng giá cả luôn đi đôi với chất lượng.

Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ bước chân vào những cửa hàng thời trang cao cấp, bởi những nơi đó bán hàng giá rất cao so với một người chỉ thu nhập vài triệu đồng/tháng như tôi. Nhưng giá cả luôn đi đôi với chất lượng. Vì vậy, khi chị bạn tôi khoe đôi giày đang mang với giá hơn 1 triệu đồng, chị dùng đã gần 2 năm mà đôi giày vẫn còn như mới, kiểu dáng rất đẹp, đi rất êm, ôm chân và rất dễ chịu, không cảm thấy mỏi khi đi lâu, tôi không tin. Nhưng khi xỏ chân vào đôi giày của chị bạn đi thử, tôi thấy đáng đồng tiền bỏ ra, không đắt so với chất lượng của nó. Ngẫm đến những đôi giày tôi đang dùng giá hơn 200.000 đồng, lại thấy xót vì mau xuống chất, chỉ vài tháng, tôi lại phải thay đôi giày mới. Nếu so những đôi giày của tôi với đôi giày mà chị bạn đang dùng thì thương hiệu và chất lượng của đôi giày chị bạn tôi hơn rất nhiều, nhưng giá cả cũng tương đương nhau.
Tình cờ ra Hà Nội, dạo quanh các cửa hàng giày xuất khẩu, tôi giật mình khi nhìn thấy kiểu dáng đôi giày hao hao giống đôi giày chị bạn tôi khoe mới đây. Cầm đôi giày lên xem, cũng thương hiệu đó nhưng giá thành chỉ hơn 300.000 đồng. Tôi ngạc nhiên: Vì sao “giày hiệu” lại rẻ đến thế? Chị bán hàng giải thích: Vì có nhiều mặt hàng nước ngoài đặt gia công tại Việt Nam, rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là những đôi giày bị lỗi một chút nên bị loại và được đem bán trong nước. Nhưng nếu xét về chất lượng và mẫu mã xuất ra nước ngoài thì hầu như không thua kém.
Rõ ràng người Việt Nam có bàn tay khéo léo, có hệ thống sản xuất, gia công rất chuyên nghiệp, nhưng rất tiếc, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm đến thị trường xuất khẩu mà quên đi thị trường nội địa, để rồi chính người Việt phải mua sản phẩm người Việt Nam làm ra mà cứ tưởng được sản xuất trực tiếp ở nước ngoài. Chợt nghĩ, có phải người Việt Nam quên mất thị trường trong nước, hay do chúng ta cứ nói hàng ngoại là hàng chất lượng tốt mà không nghĩ hàng Việt Nam cũng có nhiều thứ rất tốt?
Tôi lại nghĩ đến trái cây do chúng ta trồng trên chính mảnh đất quê hương, nhưng khi tung ra thị trường lại không được chú ý. Nhưng cũng loại hàng đó, được dán nhãn nước ngoài như: nho Mỹ, me, xoài Thái Lan, mận Ấn Độ, khoai lang Nhật Bản… lại được mọi người ưa chuộng. Có phải chăng, do giống các loại cây này được nhập về từ nước ngoài nên chúng ta ưa thích mà quên đi những mặt hàng cùng loại có xuất xứ tại Việt Nam? Trong khi các cây trái này, nếu được trồng trên mảnh đất Việt Nam thì có thể được xem là hương vị Việt.

LAN HƯƠNG