Theo tôi, lâu nay người Việt thường ít quan tâm đến hàng Việt, thậm chí có thể còn “quay lưng” lại với hàng Việt. Lỗi này không chỉ do người tiêu dùng, mà lỗi chính phải kể đến các nhà sản xuất và lối sống phụ thuộc quá dài trong thời bao cấp.
Ảnh minh họa. |
Theo tôi, lâu nay người Việt thường ít quan tâm đến hàng Việt, thậm chí có thể còn “quay lưng” lại với hàng Việt. Lỗi này không chỉ do người tiêu dùng, mà lỗi chính phải kể đến các nhà sản xuất và lối sống phụ thuộc quá dài trong thời bao cấp. Còn nhớ lúc đó, kỹ thuật, công nghệ của ta kém phát triển nên hàng hóa sản xuất ra thường xấu, chất lượng kém. Nhưng do đời sống khó khăn, kinh tế èo uột nên người dân đành phải chấp nhận dùng những thứ hàng này. Thậm chí, mọi thứ đều phân phối theo giá rẻ mạt của thời bao cấp. Từ cây kim, sợi chỉ, đến bánh xà phòng, cái lốp xe, viên pin… tất tần tật đều phân phối, tuy hàng xấu, chất lượng kém nhưng vẫn tiêu thụ được. Hàng xấu không có nhu cầu cũng cứ mua, được phân phối là lấy, không dùng thì “đẩy” ra thị trường tự do. Điều này khiến hàng hóa đã khan hiếm càng khan hiếm hơn. Cũng chính điều này đã làm cho các nhà sản xuất chủ quan, ít quan tâm cải tiến chất lượng, đổi mới bao bì, sản phẩm. Cũng do kinh tế khó khăn nên hàng nhập lúc đó hầu như không có. Thời đó, ai đi Liên Xô (cũ), Hung-ga-ri, Ba Lan, Tiệp Khắc đều mang về bàn là, quạt điện, nồi áp suất, nồi, chậu nhôm… tuy rất thô kệch, nhưng quý như vàng! Và, nếu có ai đó bán ra thị trường thì loại hàng này “đắt như tôm tươi”. Điều này đã gieo vào người tiêu dùng tâm lý “sính ngoại”.
Sau khi thống nhất đất nước hàng chục năm, tư tưởng chủ quan của các nhà sản xuất, tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng vẫn còn phổ biến. Sau thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, đất nước đã chuyển mình. Thời bao cấp bị xóa sổ. Hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam thông qua các con đường chính ngạch, tiểu ngạch ngày càng nhiều. Kinh tế nước ta bắt đầu phát triển. Đời sống của nhân dân được cải thiện dần, trong đó, nhiều người đã thoát nghèo, một bộ phận không nhỏ bắt đầu giàu lên. Điều này càng làm cho việc lựa chọn hàng tiêu dùng của mọi người trở nên “sành điệu” hơn. Trừ bộ phận dân cư còn nghèo “phải dùng” hàng kém chất lượng, mẫu mã xấu, còn đại bộ phận người có tiền, đời sống khá giả chỉ chọn hàng ngoại, mà lớp trẻ gọi là “hàng hiệu”. Tâm lý này đã kéo mọi người, đặc biệt là lớp trẻ, “quay lưng” với hàng nội, họ cho chỉ có dùng “hàng hiệu” mới là sành điệu. Thời gian đầu của công cuộc đổi mới, các doanh nghiệp Việt Nam chưa theo kịp với nhịp phát triển thời đại, nên không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về cả chất lượng và mẫu mã hàng hóa. Nhưng gần đây, đặc biệt là sau khi đất nước ta hội nhập, các doanh nghiệp trong nước đã thực sự chuyển mình, bởi nếu không tự vươn lên sẽ thua ngay tại “sân nhà”. Bây giờ chất lượng hàng hóa tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, nhưng nhiều người, nhất là những người giàu, vẫn chưa mặn mà với hàng Việt.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện nay nước ta có nhiều hàng hóa chẳng thua kém gì các nước tiên tiến, nhiều mặt hàng có chất lượng và đẹp hơn cả hàng ngoại như quạt điện, quần áo may mặc, hàng điện tử gia dụng, một số loại sữa uống, thuốc tân dược… nhưng vẫn chưa được người Việt ưa dùng. Có loại như quần áo sản xuất trong nước bán ì ạch, khi xuất ra nước ngoài, được dán nhãn ngoại rồi xuất trở lại Việt Nam thì lại bán chạy. Đây rõ ràng là tâm lý “sính ngoại”.
Để khắc phục được tình trạng này, thiết nghĩ, trước hết chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm tiếp cận với mọi người để họ thấy được chất lượng của hàng Việt mà dùng hàng Việt. Nhưng, điều quan trọng hơn cả là các nhà sản xuất phải quảng bá mình bằng chính chất lượng và mẫu mã. Sản phẩm tốt, kiểu dáng đẹp là mục tiêu số một mà các doanh nghiệp Việt phải hướng tới để thu hút sự quan tâm, chú ý của khách hàng. Sau đó là giá cạnh tranh: cùng loại sản phẩm, ngoài chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá ít nhất phải bằng hoặc thấp hơn hàng nhập ngoại. Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ, không chỉ người Việt thích dùng hàng Việt mà người nước ngoài cũng thích dùng hàng Việt.
HẢI SƠN
(Phường Tân Lập, TP. Nha Trang)