04:01, 14/01/2010

Người Việt không “quay lưng” với hàng Việt, nếu…

Ở góc độ người tiêu dùng (NTD), tôi thấy người Việt sẽ không quay lưng lại với hàng Việt, nếu hàng Việt đảm bảo các tiêu chí: chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá rẻ. Bằng chứng là qua các kỳ hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, NTD tham gia rất đông, không khí mua bán rất sôi nổi…

 

Lòng tin của người tiêu dùng VN được xem là tích cực và lạc quan nhất
Ảnh minh họa

Ở góc độ người tiêu dùng (NTD), tôi thấy người Việt sẽ không quay lưng lại với hàng Việt, nếu hàng Việt đảm bảo các tiêu chí: chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá rẻ. Bằng chứng là qua các kỳ hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, NTD tham gia rất đông, không khí mua bán rất sôi nổi…

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có hàng trăm loại sữa của các nhà sản xuất khác nhau, từ sữa nội đến sữa ngoại. Thực ra, sữa nội rất tốt, giá cũng dễ chịu hơn, nhưng NTD vẫn chọn sữa ngoại vì các hãng sữa ngoại quảng cáo rất nhiều, khiến NTD tin rằng sữa ngoại có khả năng “thúc đẩy chiều cao, bổ sung vitamin, can-xi, tăng cường trí thông minh… cho trẻ”, mà không biết rằng khi mua một hộp sữa được quảng cáo nhiều, mình sẽ phải “gánh” cả tiền quảng cáo cho loại sữa đó. Em gái và em dâu tôi hiện đều đang nuôi con nhỏ. Em gái tôi, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên từ trước đến nay chỉ dùng sữa nội, nhưng con của cô rất bụ bẫm, khỏe mạnh, linh hoạt. Còn cô em dâu, kinh tế khá hơn, với 2 đứa con (một cháu 2 tuổi rưỡi, cháu kia 7 tháng tuổi), mỗi tháng cô phải chi hơn 3 triệu đồng tiền mua sữa cho con. Tôi đã khuyên cô chuyển sang dùng sữa nội để tiết kiệm chi phí, nhưng cô lý giải: “Con em không hợp sữa nội, hễ uống vào là táo bón. Với lại, cho nó uống sữa ngoại quen rồi, giờ chuyển sang sữa nội nó không chịu uống”. Em trai tôi lắc đầu: “Ngày xưa, anh chỉ uống toàn “sữa đặc có đường”, thậm chí còn không có sữa mà uống, vậy mà vẫn khỏe mạnh, thành đạt thôi”. Đáng nói là tuy liên tục được dùng sữa ngoại, nhưng các con của em dâu tôi vẫn gầy ốm, không khỏe mạnh, bụ bẫm như con của em gái tôi. Chính vì thế, tôi cho rằng, sữa ngoại chưa chắc đã tốt hơn sữa nội, nhưng lại đắt hơn nhiều. Điều đó càng chắc chắn hơn khi mới đây tôi được tham dự một cuộc hội thảo về sữa. Tại đây, một chuyên gia về dinh dưỡng đã nói một câu mà tôi không bao giờ quên: “Đã là sữa, đương nhiên phải tốt. Không có loại sữa nào là không tốt. Sữa đồng nghĩa với tốt!”. Sau hội thảo, nhiều bà mẹ đã thay đổi suy nghĩ của mình, quay sang dùng sữa nội, vừa đảm bảo sức khỏe cho trẻ, vừa tiết kiệm túi tiền của gia đình.

Trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam, trước đây cũng như bây giờ, hàng ngoại bao giờ cũng tốt, cũng là số một, còn hàng Việt Nam vừa kém chất lượng, vừa không đẹp về mẫu mã, không đa dạng chủng loại như hàng ngoại. Chính vì vậy, không ít người Việt có tư tưởng sính hàng ngoại, coi thường hàng sản xuất trong nước. Thay đổi thói quen, suy nghĩ của một người đã khó, thay đổi thói quen của cả một xã hội, một tầng lớp dân cư càng khó hơn nhiều.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối, NTD Việt Nam sẽ không quay lưng lại với hàng nội nếu đó là sản phẩm có chất lượng. Thực tế, đã có khá nhiều mặt hàng sản xuất trong nước được NTD đón nhận. Chẳng hạn dầu gội đầu X-Men, khi mới tung ra thị trường, sản phẩm này được tiêu thụ mạnh, nhưng mấy người biết đó là sản phẩm Việt. Điều đáng nói là sau khi biết rõ là hàng sản xuất trong nước, NTD vẫn chấp nhận. Hoặc một số sản phẩm khác như sữa Vinamilk, đồ đông lạnh Vissan, đồ hộp Hạ Long, vải Thái Tuấn, nhựa Đại Đồng Tiến, nệm Kym Đan… Ở Khánh Hòa có yến sào Khánh Hòa, nước khoáng Vikoda, nước mắm 584, Chín Tuy… Những sản phẩm sản xuất trong nước này có chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên đã chiếm được lòng tin của NTD.

Thực tế cho thấy, không có chuyện người Việt quay lưng lại với hàng Việt, mà ngược lại, NTD Việt Nam bao giờ cũng tự hào khi mua những sản phẩm do người Việt Nam sản xuất, nhưng đó phải là những hàng hóa có chất lượng. Vì vậy, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào cuộc sống, trước tiên nhà sản xuất phải đảm bảo chất lượng, số lượng, giá thành của sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ, kiểm soát hàng giả, hàng lậu một cách có hiệu quả, tạo sự an tâm cho nhà sản xuất. Các cơ quan như Hội Bảo vệ NTD phải thật sự là “cánh tay nối dài” của NTD trong việc bảo vệ họ khi có khiếu kiện. Công tác thông tin tuyên truyền cần được đẩy mạnh, giúp NTD nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

NGỌC KHÁNH

Mời bạn đọc tiếp tục viết bài tham gia diễn đàn. Bài viết xin gửi về Báo Khánh Hòa, 77 Yersin, Nha Trang hoặc email: baokhanhhoadientu@dng.vnn.vn.