08:01, 27/01/2010

Nghệ thuật bán hàng - Một yếu tố thúc đẩy cạnh tranh của hàng Việt

“Thuận mua, vừa bán” là câu nói của người dân khi tiến hành một hoạt động giao dịch bất kỳ nào đó. Trong cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, bên cạnh những yếu tố cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, giá cả…,

“Thuận mua, vừa bán” là câu nói của người dân khi tiến hành một hoạt động giao dịch bất kỳ nào đó. Trong cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, bên cạnh những yếu tố cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, giá cả…, thiết nghĩ nghệ thuật bán hàng cũng là một yếu tố thúc đẩy sự cạnh tranh của hàng Việt.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những năm qua, thị trường trong nước có nhiều mặt hàng xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đó không phải là điều ngẫu nhiên khi những sản phẩm của các quốc gia này có những ưu thế cạnh tranh vượt trội. Hàng hóa của Nhật Bản không chỉ tỏ rõ sự tiên tiến về công nghệ mà còn được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Những điều đó tạo cho người sử dụng có cảm giác nhà sản xuất đã làm ra nó bằng cả tâm huyết của mình. Người Hàn Quốc đưa ra chiêu thức kinh doanh bằng cách “đánh” vào tâm lý khách hàng bằng những bộ phim tình cảm rất gần với cuộc sống người Việt, qua đó đã tạo nên “làn sóng Hàn Quốc”, dễ dàng mở toang cánh cửa thị trường của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam… Nói về hàng hóa của Trung Quốc, giá bán “rẻ như cho” của họ đã khiến người tiêu dùng không đắn đo khi “móc hầu bao”. Ngay cả người Mỹ, người châu Âu đều đã phải đưa ra những chính sách ngăn chặn hàng hóa giá rẻ đến từ Trung Quốc. Điểm qua đặc điểm cạnh tranh của hàng hóa sản xuất ở “3 con rồng châu Á”, có thể thấy một thực tế: nếu hàng hóa Việt Nam không đưa ra được một yếu tố cạnh tranh khác biệt so với sản phẩm đến từ các nước này thì lợi nhuận “chảy” vào túi nước ngoài là điều đương nhiên.

Hàng Việt Nam đến thời điểm này nếu xét về công nghệ vẫn thua hàng Nhật; xét về giá cả vẫn còn cao hơn “hàng Tàu” và hàng Việt Nam cũng chưa có được sự “dọn đường” của các chiến dịch quảng cáo rầm rộ như Hàn Quốc thường làm. Nói như vậy, không có nghĩa hàng Việt hoàn toàn “lép vế” trước hàng ngoại nhập. Chúng ta đã có được những sự chuyển mình rất lớn về chất lượng, mẫu mã, giá cả… để ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng ta có một lợi thế mà không sản phẩm ngoại nhập nào có được: văn hóa Việt.

Trong kinh doanh, yếu tố văn hóa đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Trong nhiều trường hợp nó còn có khả năng quyết định đến sự thành - bại của sản phẩm. Văn hóa Việt, thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp qua các sản phẩm nội địa có thể về hình thức, có thể về nội dung. Nhưng điều mà khách hàng dễ nhận thấy, dễ đồng tình hoặc phản đối nhất đó chính là nghệ thuật bán hàng. Có lần, vào một siêu thị lớn ở TP. Nha Trang, tôi chứng kiến cảnh một nữ nhân viên ở quầy thanh toán sau khi tính tiền cho một khách hàng người nước ngoài đã biết nói chữ “thank you” và nhận được nụ cười của người khách đó. Vậy nhưng đến người khách tiếp theo là một người phụ nữ Việt khoảng 50 tuổi, cô nhân viên này sau khi tính tiền cũng nói “cảm ơn” nhưng khách hàng lại cảm thấy không hài lòng vì cô nhân viên chỉ biết nói “cảm ơn” như một cái máy! Như vậy, nghệ thuật bán hàng suy cho cùng cũng rất đơn giản, đó là thái độ ân cần, chu đáo, niềm nở với khách hàng; chế độ hậu mãi được đảm bảo chắc chắn. Tâm lý người Việt Nam vốn thích mua bán ở cửa hàng quen, hàng hóa quen, thương hiệu quen. Vậy nên, những mặt hàng, những cửa tiệm, những thương hiệu tạo được ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng thì họ sẽ trở lại sử dụng và tình nguyện làm “khách ruột”. Đồng thời họ còn có thể giới thiệu cho những người khác là họ hàng, bạn bè cùng sử dụng. 

Nếu so sánh, chúng ta có thể thấy, chi phí đầu tư cho công nghệ quảng cáo sẽ cao gấp nhiều lần so với chi phí đào tạo một nhân viên có thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình, tôn trọng khách hàng. Thiết nghĩ, trong công cuộc để “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, khi sản phẩm của chúng ta đã hội đủ chất lượng, mẫu mã, giá cả, nghệ thuật bán hàng dựa trên cơ sở văn hóa Việt sẽ là một lợi thế cạnh tranh mà các doanh nghiệp, nhà sản xuất nên lưu tâm.

GIANG ĐÌNH