Tây hơn ta, ngoại hơn nội… đã trở thành “lối mòn” trong cách nghĩ của rất nhiều người, suốt một thời gian dài khi so sánh chất lượng hàng hóa của Việt Nam với các nước khác. Nhưng trước những chuyển biến tích cực hiện nay, hàng Việt đã mang lai niềm tin cho ngườ tiêu dùng.
Tây hơn ta, ngoại hơn nội… đã trở thành “lối mòn” trong cách nghĩ của rất nhiều người, suốt một thời gian dài khi so sánh chất lượng hàng hóa của Việt Nam với các nước khác. Nhưng trước những chuyển biến tích cực hiện nay, hàng Việt đã mang lai niềm tin cho ngườ tiêu dùng.
Hãy để những lời kêu gọi như thế này đi vào cuộc sống của bạn. |
Tôi còn nhớ, cách đây hơn chục năm, có người chị họ ở Hà Nội về quê ăn Tết. Chị mặc một cái áo da mà theo chị giới thiệu là được mua ở Singapore với giá khoảng 1,5 triệu đồng. Thú thực, lúc đó, tôi và rất nhiều người nghe thấy đều “choáng”. Dĩ nhiên, chúng tôi kinh ngạc bao nhiêu thì chị hãnh diện bấy nhiêu. Chuyện một bạn học cấp 3 của tôi cũng vậy. Nhà bạn có bà chị xinh đẹp được một anh đi lao động ở Hàn Quốc về đem lòng thương. Để lấy lòng cô chị, anh ta đã thực hiện chiêu “quỵ lụy thằng em” bằng cách tặng cho nó một cái mũ lưỡi trai và không quên nói: “Mũ này anh mua bên Hàn Quốc mang về đó”. Sau đó, thằng bạn tôi hí hửng đi khoe khắp lượt. Thật không may, một đứa con nhà buôn bán “phán” một câu lạnh tanh: “Mũ này, mẹ tao bán đầy. “Made in… Hà Nội” chứ Hàn Quốc cái gì!”.
Quãng thời gian năm 1990 - 1997, ở quê tôi rộ lên phong trào mua hàng “second-hand”. Thôi thì đủ loại, từ ti-vi, cát-xét, tủ lạnh, xe đạp… đến bàn là, quạt điện, máy khâu… tất cả đều được mang về từ các “bãi rác” đâu như bên Nhật Bản. Tất nhiên, nó được bán với cái giá phù hợp với túi tiền của người dân nông thôn, nhưng giá trị sử dụng thì cũng “hên - xui”. Nhưng dù sao mọi người đều cảm thấy vui khi trong nhà hiện diện một mặt hàng có xuất xứ từ một nước tư bản danh tiếng thế giới. Những mẩu chuyện trên tuy không tiêu biểu gì cho lắm, nhưng cũng phần nào thể hiện cái tư duy “sính ngoại” của rất nhiều người .
Việc bấy lâu nay chúng ta coi hàng ngoại nhập luôn tốt hơn hàng sản xuất trong nước không phải là vô căn cứ, khi chất lượng, mẫu mã của những mặt hàng ngoại nhập tỏ ra vượt trội so với hàng hóa sản xuất trong nước. Đó là chưa kể đến chuyện nhiều người coi việc sử dụng hàng ngoại như một cách để thể hiện “đẳng cấp”! Chính vì vậy, từ cái ăn, cái mặc, đến các vật dụng, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, phương tiện đi lại…, đều được mọi người ưa chuộng, miễn đó không phải là hàng sản xuất trong nước. Những lý do đó cùng với việc các mặt hàng sản xuất trong nước lâu nay chưa chú ý nhiều đến khía cạnh thẩm mỹ, thị hiếu, hoàn cảnh sử dụng…; nên không khó hiểu khi hàng nội thất bại ngay trên “sân nhà”.
Các sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC có chất lượng, mẫu mã không thua kém hàng ngoại. |
Tuy nhiên, đến thời điểm này, thực trạng đó đã có nhiều thay đổi. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa trong nước sau thời gian “ngủ đông” hoặc chấp nhận làm gia công cho các hãng nước ngoài thì nay đã có sự vươn mình mạnh mẽ. Hàng hóa Việt Nam bây giờ không đơn thuần “nồi đồng cối đá” như xưa mà đã hội đủ tiêu chuẩn để “cạnh tranh lành mạnh” với hàng ngoại ngay trên đất khách. Thị phần của hàng Việt ở các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và sự trở lại với các nước Đông Âu… đang lớn lên từng ngày. Hàng Việt Nam ngày càng nhận được sự ưa chuộng của khách hàng quốc tế không chỉ bởi mẫu mã, chất lượng mà còn ở giá cả. Từ các mặt hàng tiêu dùng, đến nay, chúng ta đã xuất ngược trở lại các linh kiện máy móc quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Sau những hồi chuông gióng giả trên đất người, các nhà sản xuất của chúng ta lại quay trở về “sân nhà” với thị trường hơn 85 triệu dân. Và những “bàn thắng đẹp” đã được ghi với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực ngành nghề, hàng hóa. Các tên tuổi như May Việt Tiến, May Nhà Bè, May 10…, thực phẩm Vissan, Vifon, Vina Acecook, Sannes, sữa Vinamilk, sữa Ba Vì…, dược phẩm OPC, dược phẩm Traphaco…, bóng đèn phích nước Rạng Đông, bóng đèn Điện Quang, điện cơ Thống Nhất…, Trường Hải Auto, Trường Giang Auto, Cửu Long Auto… đã mang lại niềm tin cho người Việt trong việc lựa chọn cho mình. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, nhiều hàng Việt Nam đã có chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã tương đương với các sản phẩm cùng chủng loại ở các nước khác. Ngoài ra, với lợi thế giá nhân công rẻ, thuế suất thấp… hàng Việt đang có ưu thế về giá cả hơn sản phẩm ngoại nhập.
Trước những bước đi vững chắc của hàng Việt, nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO, điều mà mỗi người dân Việt bây giờ nên làm, đó là tích cực sử dụng hàng Việt Nam và coi đó như là một hành động thể hiện lòng yêu nước.
GIANG ĐÌNH
Mời bạn đọc tiếp tục viết bài tham gia diễn đàn. Bài viết xin gửi về Báo Khánh Hòa - 77 Yersin, Nha Trang hoặc email: baokhanhhoadientu@dng.vnn.vn