05:01, 21/01/2010

Doanh nghiệp cần đi đầu

Lâu nay, nhiều người tiêu dùng (NTD) Việt Nam vẫn có xu hướng thích dùng hàng ngoại hơn hàng sản xuất trong nước mặc dù hàng ngoại vốn không rẻ. đó là do tâm lý “sính ngoại” đã ăn sâu trong một bộ phận lớn NTD,...

Lâu nay, nhiều người tiêu dùng (NTD) Việt Nam vẫn có xu hướng thích dùng hàng ngoại hơn hàng sản xuất trong nước mặc dù hàng ngoại vốn không rẻ. đó là do tâm lý “sính ngoại” đã ăn sâu trong một bộ phận lớn NTD, thậm chí, cả đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước cũng mang nặng tâm lý đó. Tuy nhiên, nghịch lý này trước hết thuộc về các doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất. Phần lớn DN sản xuất trong nước đều có chiến lược kinh doanh là đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của mình ra thị trường nước ngoài nhằm thu được lợi nhuận cao và mở rộng mạng lưới kinh doanh… Trong chiến lược đó, những mặt hàng có chất lượng, mẫu mã đẹp đều tập trung cho thị trường này, còn thị trường trong nước dường như bị bỏ rơi hoặc nếu có chú ý, DN cũng chỉ tung ra một vài sản phẩm được coi là “hàng lỗi”, “hàng thứ cấp” nhằm đánh lừa NTD. Thêm vào đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái lẫn lộn trên thị trường làm mất lòng tin, khiến NTD Việt Nam “ngoảnh mặt làm ngơ” với hàng sản xuất trong nước. Vì thế khi đi mua sắm, NTD đều nghĩ đến hàng ngoại đầu tiên.

Một góc xưởng may mặc. Ảnh minh họa

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào cuộc sống, theo tôi, các DN cần phải đi tiên phong, cố gắng làm thay đổi cách suy nghĩ của NTD về hàng Việt. Điều này thật ra cũng không khó khăn, bởi vì dân ta vốn có truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc rất cao, đó cũng là một lợi thế mà hàng Việt có thể tận dụng để cạnh tranh với hàng nước ngoài. Nhưng chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào lợi thế này vì hoạt động kinh tế vốn chịu sự tác động khắt khe của quy luật cung - cầu, giá cả, chất lượng… Vì thế, dù có yêu nước đến đâu, NTD cũng không thể mua sắm hàng hóa chất lượng kém, mẫu mã xấu, công dụng thấp mà giá thành lại cao hơn so với hàng cùng loại, xuất xứ từ nước ngoài. Do đó, muốn tồn tại, phát triển và thu lợi nhuận, DN phải tạo được chỗ đứng trong lòng NTD. Điều đầu tiên mà DN nên làm để lấy lòng tin nơi NTD là tạo lập thương hiệu riêng cho mình.

Trong chiến lược phát triển thương hiệu riêng đó, DN cũng đồng thời tác động vào suy nghĩ, hành vi và thói quen của NTD. Đây chính là cơ sở để NTD lựa chọn sản phẩm của DN. Nhưng đó mới chỉ là thành công bước đầu của nhà sản xuất trong nước trên bước đường làm thay đổi suy nghĩ về hàng Việt của NTD. Để tồn tại lâu dài, các DN sản xuất trong nước cần phải tạo ra sự “khác biệt”, tập trung cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng chương trình quảng bá, tiếp thị phù hợp với nhu cầu cũng như thị hiếu của NTD. Thực tế thời gian qua, sản phẩm của nhiều DN đã tạo được dấu ấn riêng cho mình trong lòng NTD như sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, bánh kẹo Kinh Đô, may Việt Tiến, vải Thái Tuấn… Chính chất lượng sản phẩm của họ đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ, thói quen mua sắm, công phá vào tâm lý “sính ngoại”, thay đổi cách nhìn của NTD về hàng hóa sản xuất trong nước hiện nay.

Thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hy vọng NTD sẽ thay đổi được suy nghĩ “thâm căn cố đế” và thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với nền sản xuất hàng hóa trong nước, để Việt Nam sớm “hóa Rồng”.

LÊ HẢI

Mời bạn đọc tiếp tục viết bài tham gia diễn đàn. Bài viết xin gửi về Báo Khánh Hòa, 77 Yersin, Nha Trang hoặc email: baokhanhhoadientu@dng.vnn.vn.