02:12, 10/12/2009

Cần phải có thói quen đòi hỏi quyền được bảo vệ

Điều này nghe có vẻ ngược đời nhưng bạn hãy tự hỏi nếu bạn chạy xe trên đường, bỗng nhiên vấp phải một hố ga do đơn vị thi công làm cẩu thả, té xuống vỡ đầu chảy máu;

Điều này nghe có vẻ ngược đời nhưng bạn hãy tự hỏi nếu bạn chạy xe trên đường, bỗng nhiên vấp phải một hố ga do đơn vị thi công làm cẩu thả, té xuống vỡ đầu chảy máu; hay bạn ra chợ, mua trúng thực phẩm không bảo đảm, khi ăn vào bị ngộ độc… thì bạn sẽ làm gì? Lâu nay, chúng ta thường chỉ biết tự trách mình không cẩn thận rồi chặc lưỡi cho qua… Nhưng khi làm thế, chúng ta đã tự bỏ qua quyền của mình - quyền được bồi thường, được bảo vệ…

Người dân chúng ta hiện quá dễ dãi và không ý thức được quyền lợi của mình. Chúng ta có thể phì cười nếu đọc được tin đâu đó ở nước ngoài, một bà kiện ông hàng xóm vì tội ngáy quá to làm bà ta không ngủ được hoặc người tiêu dùng kiện nhà sản xuất không ghi rõ khuyến cáo trên sản phẩm… Chúng ta cười vì điều đó nghe có vẻ xa xôi quá, những lý do cỏn con thế mà cũng kiện được! Nhưng xét cho cùng, do chúng ta đã quá quen với việc bị xâm phạm đến quyền lợi cho nên không thấy rằng đó là quyền đã được pháp luật thừa nhận. Những chuyện bị xâm phạm đến quyền lợi thì rất nhiều. Anh bạn tôi kể: Công ty của anh rất nhiều lần bị hỏng sản phẩm khi đang sản xuất vì bị cúp điện mà không thông báo trước. Vấn đề là ai chịu trách nhiệm bồi thường? Rồi thì người đi đường đâm phải hố ga, ngã bể đầu chảy máu, nếu hậu quả là không lớn, ai hơi đâu mà làm đơn.

Phổ biến nhất hiện nay là những vấn đề về an toàn thực phẩm vốn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà sự quản lý về chất lượng thực phẩm bị buông lỏng đến mức báo động. Báo chí gần đây lên tiếng về hiện tượng thực phẩm có vấn đề như sử dụng phẩm màu; bì lợn thối; hành phi, hải sản khô chế biến theo công nghệ “kinh dị”; cá ướp urê; thịt heo, bò, gà chứa các hoóc-môn tăng trọng; phở ngâm foóc-môn; rau dư thừa thuốc trừ sâu; trái cây ướp hóa chất bảo quản; rượu bằng nước lã pha cồn công nghiệp; chả chứa hàn the; cháo có chất chống thiu; thực phẩm (thịt heo bò, chân, cánh gà…) nhập khẩu quá hạn sử dụng… Đó là chưa kể những đồ chơi, vải vóc, quần áo nhập khẩu cũng chứa hóa chất độc hại. Tất cả những thứ đó hàng ngày hàng giờ tàn phá sức khỏe chúng ta mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả. Người tiêu dùng, dù biết nhưng vẫn phải chịu đựng. 

Một vấn đề nữa là môi trường. Việc sản xuất gây ô nhiễm không còn là chuyện lạ. Báo Khánh Hòa hàng ngày nhận được rất nhiều đơn thư của người dân khiếu nại về môi trường bị ô nhiễm, từ việc chăn nuôi, sản xuất gây ồn, thải khói, bụi, nước thải độc hại làm ô nhiễm môi trường… Hầu hết các vụ này, cách giải quyết những tác động của việc ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người dân xung quanh vẫn còn rất hạn chế.

Rõ ràng, trong mọi trường hợp, quyền nhân thân và quyền tài sản của người dân bị vi phạm. Nhưng tại sao người dân không nhờ pháp luật can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình? Câu trả lời là luật pháp của chúng ta chưa có đủ linh động để điều chỉnh. Thực ra, luật chúng ta không thiếu và vẫn có thể điều chỉnh được nhưng việc áp dụng pháp luật vào những trường hợp này là khá lâu và không mang tính khả thi. Trừ những trường hợp hậu quả nghiêm trọng có khả năng xử lý hình sự có thể được xử lý nhanh (chẳng hạn như tại TP. Hồ Chí Minh, điện rò rỉ giật chết người đi đường), còn các trường hợp mức độ nhẹ hơn thì Luật Dân sự… tỏ ra không kịp thời. Ví dụ: Anh A đi xe vấp hố ga, bị ngã và có thương tích, chi phí điều trị là 1 triệu đồng. Nếu anh kiện đơn vị thi công ra Tòa, cứ cho là Tòa xử 1 lần là thắng kiện thì mức bồi thường cũng chỉ theo nguyên tắc tương xứng - tức là anh chỉ được bồi thường tiền thuốc (các khoản khác như tổn hại sức khỏe theo luật hiện hành là rất ít). Nhưng đổi lại anh A phải làm gì? Theo luật, anh phải chuẩn bị chứng cứ, chứng minh lỗi là của đơn vị thi công, rồi thì khởi kiện, rồi Tòa lấy lời khai, hòa giải, xét xử. Sau khi Tòa xử, nếu bên kia không chịu thì kháng cáo để xử phúc thẩm… Sau khi Tòa xử, lại phải chờ thi hành án với cả một công đoạn lê thê… Tóm lại, thời gian rất lâu mà số tiền bồi thường cũng chẳng đáng là bao. Vì thế, giải pháp thường thấy khi lâm vào trường hợp này là… ráng chịu!

Khi người dân tự bỏ qua quyền lợi của mình tức là đã tạo điều kiện cho các hành vi xâm phạm quyền lợi tiếp tục tồn tại. Do đó, việc người dân ý thức về quyền lợi của chính mình, hình thành cho mình thói quen đòi hỏi được bảo vệ không chỉ bảo vệ cho mình mà còn ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong xã hội. Muốn vậy, pháp luật tố tụng cũng cần sửa đổi theo hướng tạo điều kiện cho người dân.

QUANG LONG