10:11, 09/11/2009

Cần nâng cao ý thức không chủ quan với bão, lũ

Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định, số người chết trong cơn bão vừa qua chủ yếu là do người dân còn quá chủ quan, các cơ quan chức năng, lực lượng thực hiện nhiệm vụ lại thiếu kiên quyết...

Lâu nay Nha Trang nói riêng, Khánh Hòa nói chung ít bị bão lũ gây hại trực tiếp nên người dân thường rất chủ quan với bão. Còn nhớ năm nào, bão đã vào gần đến Nha Trang, sóng gió ầm ầm mà người dân Nha Trang vẫn thản nhiên ra biển “ngắm bão”, có người còn đùa giỡn với tử thần, tắm biển lúc sóng đang lên cơn giận dữ. Cơn bão số 11 vừa qua cũng vậy, người dân tuy không còn “liều mình như chẳng có” trước biển cả, nhưng chủ quan thì còn thể hiện rất rõ.

Lực lượng cứu hộ xã Cam Phước Đông đưa dân qua vùng lũ. Ảnh: Như Hương
Lực lượng cứu hộ xã Cam Phước Đông đưa dân qua vùng lũ. Ảnh: Như Hương

Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão đã có thông báo, Chủ tịch UBND tỉnh đã có điện khẩn nhắc nhở mọi người phải có biện pháp phòng chống bão, yêu cầu người dân ở các vùng trũng, có nguy cơ lũ lụt hoặc lũ quét cần phải nhanh chóng di dời đến nơi cao ráo, an toàn, nhưng nhiều người vẫn chủ quan không chịu di dời. Không chỉ ở đất liền, cả những người trên biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản cũng không chịu vào bờ. Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, có người ở Diên Khánh mới mua chiếc xe mới, khi được nhắc nhở cần gửi xe đến nơi an toàn còn cười rằng “làm gì lũ đến đây mà phải gửi”. Không ngờ, đêm ấy, lũ về cuốn luôn chiếc xe mới này. Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Trong đợt bão số 11, các đơn vị đã dùng tới 8 con tàu để thực hiện cưỡng chế 120 tàu thuyền với 268 người từ biển vào các nơi trú ẩn, cưỡng chế đến nơi an toàn hơn 600 ngư dân trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản không chịu vào bờ. Ở Diên Khánh, Cam Lâm, Nha Trang, không ít người khi nước chạm mái nhà mới chịu di dời. Tất nhiên, số này chỉ cứu được người, còn tài sản thì đi theo lũ.

Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh cho biết: trong số 14 người chết trong trận bão số 11 vừa qua, có tới 10 người do chủ quan. Tỉnh đã lệnh không ai được ở lại trên tàu thuyền hoặc không qua lại các sông, suối, tràn khi có lũ. Nhưng do chủ quan, số người trên không thực hiện, đã bị lũ cuốn chết. Nhiều nhất là huyện Cam Lâm có 3 người chết vì vượt tràn có lũ. Huyện Ninh Hòa cả 6 trường hợp đều chết vì lật ghe khi đi lại lúc khi lũ về. Nếu người dân không chủ quan, chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của UBND tỉnh thì thiệt hại về người chắc chắn sẽ giảm nhiều.

Trong phiên họp khẩn cấp đánh giá thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác phòng, chống cơn bão số 11 sáng 6-11, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định, số người chết trong cơn bão vừa qua chủ yếu là do người dân còn quá chủ quan, các cơ quan chức năng, lực lượng thực hiện nhiệm vụ lại thiếu kiên quyết. Đây là bài học cần phải rút kinh nghiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, khi đã có lệnh di dời, mọi người phải chấp hành nghiêm túc. Ai không chấp hành phải thực hiện cưỡng chế. Bởi để xảy ra chết người không chỉ thiệt hại cho bản thân người đó mà còn gây không ít khó khăn, tốn kém cho cả gia đình và toàn xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành chức năng, các địa phương cùng với các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân, không chủ quan trước bão lũ, tự nguyện chấp hành quy định của tỉnh trong việc di dời, phòng chống bão lũ. Điều này phải đặt lên vị trí hàng đầu trong công tác phòng, chống lụt bão ở các địa phương.

Kinh nghiệm cho thấy, những nơi không chủ quan đều hạn chế được rất nhiều thiệt hại, đặc biệt là về người. Ví dụ như huyện Vạn Ninh, trong trận bão 11 vừa qua, huyện bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất tỉnh, nhưng do không chủ quan, biết phòng chống kịp thời và kiên quyết với những người không chịu di dời đến nơi an toàn nên thiệt hại về người rất ít (1 người). Ngược lại, Cam Lâm là huyện không ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng lại chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong cách phòng tránh nên đã để xảy ra thiệt hại lớn về người (4 người). 3 trong số 4 người này đều chết do chủ quan vượt tràn khi có lũ. Từ bài học này, rất mong các địa phương rút kinh nghiệm nghiêm túc để vĩnh viễn không còn những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra.

HẢI SƠN