Việc tổ chức hội thi, hội giảng giáo viên dạy giỏi các cấp đã trở thành một trong những phong trào chuyên môn lớn của ngành và đã có những tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy...
Từ xưa, ông bà ta đã có câu: “Không thầy đố mày làm nên” hoặc “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” để khẳng định vai trò quan trọng của người thầy trong hoạt động giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).
Nhận thức được vấn đề này, hàng năm, ngành GD-ĐT từ Trung ương đến địa phương tổ chức rất nhiều các cuộc hội thi, hội giảng giáo viên (GV) dạy giỏi. Việc tổ chức hội thi, hội giảng GV dạy giỏi các cấp đã trở thành một trong những phong trào chuyên môn lớn của ngành và đã có những tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học. Về phía GV, hội thi, hội giảng GV dạy giỏi như một chất men kích thích, tạo cơ hội để GV thể hiện năng lực sư phạm của mình. Qua hội thi, hội giảng, GV chứng tỏ được bản lĩnh của mình trong việc dạy học; những thầy giáo, cô giáo dạy giỏi được tôn vinh.
Thế nhưng, trong quá trình tổ chức, nếu ngành GD-ĐT không chọn được những người có tài, có tâm vào Ban Giám khảo (GK) hội giảng thì mục đích tốt đẹp của hội giảng sẽ không đạt được. Ngược lại, nó sẽ bị biến thành nơi để những “người xấu” lợi dụng trục lợi. Và câu chuyện tôi kể sau đây là một ví dụ.
Tôi có người bạn là GV mỹ thuật ở một trường tiểu học. Khách quan mà nói, bạn tôi là người rất yêu nghề. Không chỉ có năng khiếu về mỹ thuật từ nhỏ, được đào tạo bài bản, bạn tôi còn là người rất chịu khó tìm tòi, học hỏi và luôn tận tụy, hết mình vì học sinh. Vì thế, ở trường, chị là người rất có uy tín trong chuyên môn. Cách đây vài năm, bạn tôi được trường cử tham gia hội giảng GV dạy giỏi cấp thành phố. Không cần phải nói, chị đã hào hứng chuẩn bị cho hội giảng như thế nào. Chị đã dành ra mấy tháng trời để ôn luyện, dùi mài kinh sử chuẩn bị cho hội thi. Và thông tin một người trong Ban GK hội giảng là người quen của chị càng khiến chị thêm tự tin. Kết quả, chị đã hoàn thành bài giảng một cách xuất sắc. Nhưng chị đã bị một cú sốc rất nặng mà đến bây giờ, mỗi lần nói tới hội giảng, chị đều chép miệng: “Thà bảo tôi nhảy vào lửa còn hơn là bảo tôi đi hội giảng”. Hỏi ra mới biết, ngay sau khi kết thúc hội giảng, thông tin đầu tiên mà Hiệu trưởng trường chị báo về là chị đã đạt GV dạy giỏi. Nhưng mấy ngày sau lại có thông tin chị bị rớt. Bối rối, chị đến gặp “người quen” trong Ban GK để hỏi thì vị GK này trả lời là do Phòng GD-ĐT khống chế tỉ lệ GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi chỉ ở mức không quá 50%, nên trong số 4 người dự thi môn Mỹ thuật chỉ có 2 người được đậu, “chứ chẳng lẽ 4 người thi mà 3 người đậu thì kỳ quá(?)”, vị GK này nói. Và cũng theo vị GK này, do Phòng GD-ĐT khống chế tỉ lệ 50% nên những GV dự thi ở môn Hát nhạc lại “lời”, vì ở môn này có 7 GV dự thi (thực tế chỉ có 1 GV đủ điểm đậu), nhưng vì quy định tỉ lệ như vậy nên ở môn này có thêm 3 GV được nâng điểm lên… cho đậu, tổng cộng môn Hát nhạc có 4 GV đạt GV dạy giỏi. Cách giải thích của vị GK này sau đó đã bị một vị lãnh đạo Phòng GD-ĐT bác bỏ. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong lần gặp vị GK trên, bạn tôi mới hiểu ra một điều rất cay đắng, đó là do chị không… “chạy” nên mới bị rớt. Trong lần gặp đó, vị GK đã không ngớt lời trách móc bạn tôi, rằng: “Tại sao quen với chị đã lâu mà em không hề đến chị, trong khi cô M. chỉ mới biết chị sơ sơ, mà ngay khi bắt đầu chuẩn bị tham gia hội giảng cô ấy đã đến chị thường xuyên để hỏi han, nhờ chị chỉ vẽ, giúp đỡ”. Vị GK này còn “tiết lộ”, thầy H. trong Ban GK cũng có “gà”, “gà” của thầy là cô T., vì thế thầy khen cô T. hết lời. Đến lúc này bạn tôi mới hiểu, như vậy là trong Ban GK có 3 người thì hết 2 người “có gà”. Kết quả là những “con gà” này đều đậu, dù trong quá trình giảng dạy tại hội giảng họ vẫn có nhiều sai sót.
Sau khi thất bại tại hội giảng, bạn tôi đem nỗi niềm của mình tâm sự với một GV cấp 2 đã từng đạt GV dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh môn Vật lý. Vừa nghe kể xong, người GV kia đã thốt lên: “Đúng rồi. Em đã đi hội giảng 2 lần, em biết. Đầu tiên họ sẽ tung tin là mình đậu, sau đó là những cuộc nhậu, những cuộc gặp gỡ. Nếu chị không nhậu, không gặp, chị sẽ… rớt, để chỗ cho người khác. Đặc biệt, những môn dạy thêm được như Toán, Lý, Hóa, Anh giá càng cao, những môn không dạy thêm được như Sử, Địa, Công dân thì đỡ hơn”(?). Không biết độ chính xác của thông tin trên đến mức độ nào, nhưng nó chứng tỏ dư luận đã bàn tán về chuyện này.
Tôi kể câu chuyện trên để thấy, nếu ngành GD-ĐT không chọn được những người có tài, có đức vào Ban GK của các hội giảng, thì thà đừng tổ chức hội giảng còn hơn. Không nên tổ chức hội giảng để tạo cơ hội “làm ăn” cho một số người thoái hóa, biến chất. Hiện tôi có quen một thầy giáo mỹ thuật rất giỏi ở một trường điểm của thành phố, nhưng thầy chưa 1 lần tham gia hội giảng. Tôi hỏi vì sao thì thầy trả lời: “Không phục, không đi. Chừng nào người đó (xin giấu tên) còn ngồi trong Ban GK thì tôi không bao giờ tham gia hội giảng”.
NGỌC KHÁNH